Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất quy định về quyền sở hữu và các vật quyền khác bao gồm 4 chương, 152 điều (từ 176-327) quy định về căn cứ xác lập, chấm dứt, điều kiện đối kháng và thời điểm chuyển giao; bảo vệ và hạn chế quyền sở hữu và các vật quyền khác; nội dung quyền sở hữu, hình thức sở hữu, căn cứ xác lập, chấm dứt quyền sở hữu; các vật quyền khác bao gồm địa dịch, vật quyền bảo đảm, quyền ưu tiên và quyền sở hữu vật trên đất thuộc quyền sử dụng của người khác.
Bộ Tư pháp cho biết, so với quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, quy định về quyền sở hữu và các vật quyền khác tại dự thảo có một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản như: Bên cạnh quyền sở hữu, quy định cụ thể hơn về quyền của các chủ thể khác không phải là chủ sở hữu đối với tài sản của người khác theo quy định của luật (các vật quyền khác ngoài quyền sở hữu).
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề xuất bổ sung các quy định có tính nguyên tắc về căn cứ xác lập, điều kiện đối kháng của quyền sở hữu và các vật quyền khác; sửa đổi quy định về bảo vệ và hạn chế quyền sở hữu và các vật quyền khác để phù hợp quy định của Hiến pháp năm 2013 về thực hiện, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Bổ sung 1 chương riêng về chiếm hữu
Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung một chương riêng về chiếm hữu nhằm góp phần giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp về tài sản có thể phát sinh trong xã hội. Bên cạnh đó, tạo cơ sở pháp lý để khẳng định người nào đang chiếm hữu vật thì người đó được suy đoán là người có quyền lợi hợp pháp đối với tài sản đó; tạo cơ sở pháp lý để công nhận quyền của người thứ ba ngay tình đối với tài sản khi xác lập giao dịch với người đang chiếm hữu tài sản đó.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất quy định hình thức sở hữu căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện quyền sở hữu, bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu cá nhân, sở hữu pháp nhân và sở hữu chung; sửa đổi, bổ sung quy định về địa dịch với tư cách là một vật quyền độc lập với quyền sở hữu để vừa phù hợp với bản chất pháp lý của địa dịch vừa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng một bất động sản thuộc quyền sở hữu của người khác; sửa đổi, bổ sung các quy định về thế chấp, cầm cố, cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu theo các nguyên tắc vật quyền bảo đảm, theo đó, người nhận bảo đảm có quyền chi phối trực tiếp đối với tài sản bảo đảm theo các căn cứ luật định.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung quyền ưu tiên để xác định quyền của một chủ thể được thanh toán nghĩa vụ về tài sản trước các chủ thể có quyền khác theo các căn cứ luật định; bổ sung quyền sở hữu của một chủ thể đối với vật trên đất thuộc quyền sử dụng của người khác.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn