Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Y tế cho biết, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/2/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam.
Sau 10 năm thi hành Nghị định này, cả nước hiện có 19 cơ sở hỗ trợ sinh sản được Bộ Y tế ra quyết định công nhận cơ sở đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Chỉ tính riêng Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Phụ sản Trung ương, từ khi triển khai thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đến nay đã có hơn 10.000 cháu bé ra đời. Đây là kết quả tốt đẹp không chỉ trong ngành y tế mà còn góp phần duy trì, phát triển giống nòi.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được thì cùng với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và các quan hệ xã hội mới phát sinh, Nghị định 12/2003/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập cần phải được chỉnh sửa, thay thế cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế hiện nay.
Vì vậy, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ gồm 8 chương, 26 điều để thay thế Nghị định trên. Trong đó Bộ đề xuất một số quy định nhằm khắc phục những bất cập của Nghị định 12/2003/NĐ-CP như: Bổ sung hành vi nghiêm cấm kinh doanh, quảng cáo tinh trùng, noãn, phôi. Theo Bộ Y tế, thời gian qua, việc kinh doanh, quảng cáo tinh trùng, noãn, phôi trở nên phổ biến, việc này sẽ ảnh hưởng đến thể chất, trí tuệ của đứa trẻ được sinh ra và có nguy cơ một người bán tinh trùng, noãn, phôi nhiều lần. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Nghị định 12/2003/NĐ-CP quy định người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải từ đủ 20 - 45 tuổi. Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi cần có đủ sức khỏe làm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con; không quy định độ tuổi vì trên thực tế cùng độ tuổi nhưng sức khỏe sinh sản của mỗi người lại khác nhau.
2 phương án về cơ sở thực hiện mang thai hộ
Tại dự thảo, Bộ Y tế đã đề xuất một số quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; hồ sơ đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện mang thai hộ…
Đặc biệt, Bộ đã đề xuất 2 phương án quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ.
Phương án 1, tùy từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Y tế lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để quyết định cho phép thực hiện mang thai hộ. Hiện Bộ Y tế dự kiến 3 cơ sở đại diện 3 khu vực Bắc – Trung – Nam là: Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế.
Lý giải đề xuất trên, Bộ Y tế cho biết, do vấn đề mang thai hộ là vấn đề mới lại rất phức tạp và nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhiều người: đứa trẻ, người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, liên quan trực tiếp đến số phận của đứa trẻ được sinh ra, có thể có các hệ lụy về sau đối với các bên liên quan, ảnh hưởng về mặt huyết thống, quan hệ, tình cảm. Mặt khác, nhu cầu mang thai hộ không nhiều so với nhu cầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Do vậy, chỉ cho phép một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước mang tính đại diện khu vực thực hiện để tránh tình trạng thực hiện mang thai hộ tràn lan, biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Việc cho phép 3 cơ sở thực hiện mang thai hộ mang tính thí điểm trong giai đoạn đầu để cơ quan quản lý có thể tổng kết, rút kinh nghiệm và quản lý tốt hơn vấn đề này.
Phương án 2, Bộ Y tế đề xuất, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Bộ Y tế cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện mang thai hộ: Xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện mang thai hộ. Trường hợp nghi ngờ có thể yêu cầu bổ sung các giấy tờ khác có liên quan hoặc phỏng vấn trực tiếp. Bên cạnh đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện mang thai hộ phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý và chuyên môn, kỹ thuật do cơ sở mình thực hiện.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn