Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiền mẫu được dùng để đối chứng trong thanh toán và sử dụng để nghiên cứu, lưu niệm. Ảnh minh họa |
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tiến trình hội nhập quốc tế, việc sản xuất tiền lưu niệm là nghiệp vụ thường xuyên của các Ngân hàng Trung ương, là cơ hội để Ngân hàng Trung ương các nước quảng bá hình ảnh đất nước. Hơn nữa, cũng như các nước trên thế giới hiện nay, đã có nhiều trường hợp các tổ chức ngoài Ngân hàng Trung ương phát hành tiền lưu niệm để kỷ niệm những sự kiện quan trọng của quốc gia, địa phương...
Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa có văn bản pháp quy điều chỉnh những nội dung này. Do vậy, việc ban hành những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh liên quan đến tiền mẫu, tiền lưu niệm là cần thiết. Đặc biệt là cần có sự phân cấp rõ ràng thẩm quyền trong việc ban hành các quy định về tiền lưu niệm sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sản xuất, tiêu thụ tiền lưu niệm.
Tiền mẫu không có giá trị làm phương tiện thanh toán
Dự thảo quy định: “Tiền mẫu” là tiền giấy do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, có thêm chữ ''Tiền mẫu'' hoặc/và chữ ''Specimen''.
Tiền mẫu được dùng làm chuẩn để đối chứng trong nghiệp vụ phát hành tiền; được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, bảo tàng, giới thiệu, sưu tập, lưu niệm.
Dự thảo cũng quy định rõ tiền mẫu không có giá trị làm phương tiện thanh toán trong lưu thông nhằm giúp cho người sử dụng không nhầm lẫn giá trị thanh toán giữa tiền đang lưu hành và tiền mẫu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định số lượng, chủng loại tiền mẫu cần in, đúc.
Vì tiền mẫu có chất liệu, kích thước, hình vẽ, hoa văn và các đặc điểm như tiền đang lưu hành nên dự thảo quy định việc in tiền mẫu được thực hiện theo quy định của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước như đối với in tiền đang lưu hành.
Ngân hàng nhà nước là đơn vị duy nhất được phát hành tiền lưu niệm
Để đảm bảo thống nhất quản lý, dự thảo quy định Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được phép phát hành tiền lưu niệm. Ngân hàng Nhà nước được phép tổ chức sản xuất hoặc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để sản xuất hoặc bán trên cơ sở hợp đồng. Dự thảo cũng quy định đối tác của Ngân hàng Nhà nước phải là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực in, đúc tiền; kinh doanh, chế tác kim khí quý; kinh doanh tiền lưu niệm hay các ngành hàng lưu niệm.
Theo dự thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định mẫu thiết kế, chủ đề, chất liệu, số lượng tiền lưu niệm cần in, đúc và đối tác sản xuất, bán tiền lưu niệm.
Đối với các chủ đề liên quan đến sự kiện lịch sử, chính trị, sự kiện trọng đại của quốc gia, Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, để đảm bảo cho người dân biết được chủ trương, chính sách của Nhà nước, dự thảo quy định khi phát hành tiền lưu niệm, đơn vị phát hành tiền lưu niệm phải tổ chức thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương phát hành tiền lưu niệm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc cấp, bán tiền lưu niệm cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Các loại tiền đình chỉ lưu hành
Dự thảo quy định: Các loại tiền đình chỉ lưu hành bao gồm tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhưng không còn giá trị làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, và các loại tiền qua các thời kỳ hiện đang được bảo quản tại kho tiền của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, dự thảo đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao quyền cho Ngân hàng Nhà nước quy định việc cấp, bán tiền đình chỉ lưu hành cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sử dụng cho mục đích bảo tàng, giới thiệu, sưu tập, lưu niệm.
Trần Mạnh