Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Công an cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), có 08 biện pháp ngăn chặn gồm: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Trong đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định tương đối cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành các biện pháp ngăn chặn, gồm: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh nên thuận lợi trong quá trình thi hành. Đối với biện pháp tạm giữ, tạm giam đã được quy định trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, còn biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú chưa được quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để thi hành nên còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo quy định, cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong 08 biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì bị tạm giam.
Thực hiện các quy định của pháp luật, trong thời gian từ 01/01/2018 đến hết ngày 30/6/2024, các cơ quan điều tra của Công an nhân dân đã quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 342.080 đối tượng. Theo thống kê, các cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2.750 đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, 11.404 đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng, 77.006 đối tượng phạm tội nghiêm trọng và 253.556 đối tượng phạm tội ít nghiêm trọng; 22.350 đối tượng là chủ mưu, cầm đầu, 57.098 đối tượng là đồng phạm trong các vụ án; 21.813 đối tượng đã có tiền án, tiền sự. Trong tổng số 342.080 đối tượng được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có 21.813 đối tượng do được thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.
Về tình hình vi phạm của người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có 3.861 đối tượng vi phạm nghĩa vụ theo quy định của khoản 3 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Các cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trở lại đối với 2.007 đối tượng vi phạm nghĩa vụ; ban hành 2.030 lệnh truy nã (đã bắt được 1.715 đối tượng) và có 845 đối tượng tiếp tục phạm tội mới. Đặc biệt, trong số 3.861 đối tượng vi phạm nghĩa vụ chủ yếu là đối tượng trước khi được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú các cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Từ thực tiễn nêu trên thấy rằng, việc thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú còn nhiều bất cập, đặc biệt còn tình trạng các đối tượng sau khi được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn, phạm tội mới, vi phạm nghĩa vụ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do:
- Chưa có trình tự, thủ tục thi hành biện pháp này kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền ban hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú;
- Tình trạng bỏ trốn, phạm tội mới, vi phạm nghĩa vụ thường xảy ra ở những đối tượng được thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam sang biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng chưa có biện pháp quản lý, giám sát, theo dõi chặt những đối tượng này.
Ngoài ra, việc cho đối tượng tại ngoại nhưng dùng phương thức quản lý, giám sát bằng thủ công, hành chính nên dẫn đến nhiều hệ luỵ, giảm hiệu quả trong quản lý nhà nước an ninh, trật tự, cụ thể như sau:
- Không giám sát được di biến động của đối tượng nên dẫn đến việc các đối tượng này có thể lôi kéo, rủ rê người khác phạm tội; đi đến các địa phương khác phạm tội mà cơ quan quản lý, giám sát không nắm được...;
- Hiệu quả theo dõi giám sát thấp, còn xảy ra tình trạng đối tượng sau khi được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn, phạm tội mới, vi phạm nghĩa vụ, nên cơ quan điều tra hạn chế áp dụng biện pháp này, dẫn đến quá tải trong các cơ sở giam giữ;
- Với biên chế hiện nay mà sử dụng phương thức quản lý, giám sát bằng thủ công, hành chính thì không đủ nguồn lực để thực hiện quản lý, giám sát đối với những đối tượng này.
Vì vậy, cần quản lý, giám sát chặt chẽ các đối tượng này bằng công nghệ theo hướng đeo thiết bị giám sát điện tử để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát đối với bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (nắm di biến động, phòng ngừa phạm tội mới, bỏ trốn, vi phạm nghĩa vụ), từ đó tạo cơ sở để cơ quan, người có thẩm quyền mở rộng áp dụng cấm đi khỏi nơi cư trú với nhiều đối tượng, hạn chế được tình trạng quá tải tại cơ sở giam giữ, giảm chi phí quản lý và tăng lao động xã hội.
Theo Bộ Công an, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cần thiết phải bổ sung quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ thi hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, theo dõi người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; về việc lao động, học tập của người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú của người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; áp dụng giám sát điện tử phòng ngừa người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành giám sát điện tử.
Giám sát điện tử được áp dụng đối với người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú bằng cách gắn thiết bị giám sát điện tử (vòng đeo tay hoặc đeo chân) trong thời gian áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú để theo dõi quản lý di biến động của các đối tượng, có thể nhận dạng từ xa, theo dõi vị trí của người đó và có một hệ thống tích hợp để giám sát việc tháo, mở thiết bị trái phép.
Do đó, Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất bổ sung một chương (chương VII) quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chương này quy định về: Gửi lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; nghĩa vụ của người chấp hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; trường hợp giám sát điện tử; trình tự, thủ tục, hồ sơ thi hành lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; việc lao động, học tập của người chấp hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; giải quyết vắng mặt tại nơi cư trú; giải quyết trong trường hợp thay đổi nơi cư trú; xử lý trường hợp người chấp hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú vi phạm nghĩa vụ.
1. Có mặt theo giấy triệu tập của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan.
2. Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc.
3. Chịu sự giám sát của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị can, bị cáo cư trú hoặc đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo. Việc giám sát được thực hiện bằng giám sát điện tử khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 41 Luật này.
4. Cư trú trên địa bàn cấp xã theo lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của người có thẩm quyền. Khi vắng mặt tại nơi cư trú phải được sự đồng ý của Cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
5. Có mặt theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đang cư trú hoặc người đứng đầu đơn vị quân đội đang quản lý, theo dõi.
6. Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
7. Đối với người bị gắn thiết bị giám sát điện tử phải báo cáo ngay cho Công an cấp xã, đơn vị quân đội đang quản lý, theo dõi khi thiết bị giám sát điện tử gặp sự cố làm mất tín hiệu hoặc không sử dụng được.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn