Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tư pháp cho biết, Bộ đề xuất tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch pháp chế viên trong dự thảo Thông tư nhằm cụ thể hóa tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế theo hướng chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trên cơ sở quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 56/2024/NĐ-CP, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, tham khảo các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, một số ngạch công chức chuyên ngành có tính chất tương đương (ví dụ: công chức chuyên ngành thi hành án dân sự, thanh tra...), tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất quy định 03 ngạch pháp chế viên: Pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp với các tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ được sắp xếp theo mức độ tăng dần, tính chất phức tạp về các mặt: chức trách; nhiệm vụ; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; kinh nghiệm công tác.
Theo dự thảo, mã số các ngạch pháp chế viên được đề xuất như sau: Pháp chế viên: Mã số 15.001; pháp chế viên chính: Mã số 15.002; pháp chế viên cao cấp: Mã số 15.003.
Theo dự thảo, ngạch pháp chế viên phải đáp ứng tiêu chuẩn chung sau: Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; công chức dự thi nâng ngạch, xét nâng ngạch, chuyển ngạch phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và các quy định khác của pháp luật.
Theo dự thảo, pháp chế viên phải hiểu và có khả năng vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, văn bản của cấp trên trong công tác pháp chế; có kiến thức, hiểu biết về các lĩnh vực pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến công tác pháp chế và có khả năng áp dụng các kiến thức, kĩ năng chuyên môn nghiệp vụ trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; có khả năng soạn thảo, góp ý, thẩm định các văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, pháp chế viên có khả năng tham gia nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm và thực tiễn công tác pháp chế; có khả năng hướng dẫn áp dụng pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ về pháp chế; có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và phối hợp với các đơn vị, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao; có năng lực sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Pháp chế viên phải có trình độ cử nhân luật trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế do Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp cấp; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương.
Dự thảo nêu rõ, người dự thi, xét chuyển vào ngạch pháp chế viên theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức thì ngoài các tiêu chuẩn quy định trên, tiêu chuẩn quy định tại Điều 29 và Điều 30 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức còn phải có ít nhất 02 năm (đủ 24 tháng) được tính cộng dồn thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2024/NĐ-CP), không kể thời gian tập sự tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký.
Dự thảo nêu rõ, pháp chế viên chính phải hiểu rõ và vận dụng tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, văn bản của cấp trên trong công tác pháp chế; có kiến thức, hiểu biết tốt về các lĩnh vực pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến công tác pháp chế và áp dụng thành thạo các kiến thức, kĩ năng chuyên môn nghiệp vụ trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, pháp chế viên chính phải thành thạo việc soạn thảo, góp ý, thẩm định các văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao; nghiên cứu, tham gia nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm và thực tiễn công tác pháp chế; có năng lực hướng dẫn áp dụng pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ về pháp chế; có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và phối hợp với đơn vị, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao; có năng lực sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Pháp chế viên chính phải có trình độ cử nhân luật trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế do Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp cấp; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.
Theo dự thảo, công chức dự thi, xét nâng ngạch, chuyển ngạch lên pháp chế viên chính theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức thì ngoài các tiêu chuẩn quy định trên, quy định tại Điều 29, Điều 30 và Điều 31 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
Có thời gian giữ ngạch pháp chế viên hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm (đủ 108 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký. Trường hợp có thời gian giữ ngạch tương đương với ngạch pháp chế viên thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch pháp chế viên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký.
Trong thời gian giữ ngạch pháp chế viên đã chủ trì xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật, hoặc có đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên mà cơ quan sử dụng công chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu đạt yêu cầu, hoặc đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả ít nhất 01 sáng kiến trong phạm vi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo Nghị định 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ, công chức thực hiện công tác pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương sẽ được xét chuyển ngạch Pháp chế viên, sau khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tư pháp.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn