Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong đó, tại Chương III, Bộ Nội vụ đề xuất quy định tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức:
Dự thảo nêu rõ, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP; quy định cụ thể của Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành về tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức, nội dung thẩm định hồ sơ dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, Chủ tịch Hội đồng quyết định cụ thể cách thức tổ chức, thời gian, hướng dẫn thẩm định hồ sơ; phải bảo đảm tính chính xác, công bằng, khách quan, khoa học.
Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quyết định cụ thể cách thức chấm điểm, tiêu chí chấm điểm hồ sơ dự xét như là một biện pháp thẩm định hồ sơ bổ sung để có thêm căn cứ xác định viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng.
Theo dự thảo, các thành viên Ban thẩm định hồ sơ được phân công thẩm định cùng 01 hồ sơ dự xét thì cùng tiến hành thẩm định chung đối với hồ sơ đó.
Thành viên Ban thẩm định hồ sơ kiểm tra hồ sơ dự xét; sắp xếp thành phần hồ sơ dự xét theo trật tự các tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chí thẩm định hồ sơ được thể hiện trong Phiếu thẩm định hồ sơ do Hội đồng chuẩn bị.
Căn cứ thành phần hồ sơ dự xét và tiêu chí thẩm định hồ sơ, thành viên Ban thẩm định hồ sơ đánh giá việc hồ sơ dự xét có đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và ghi kết quả đánh giá, thông tin liên quan (nếu có) vào Phiếu thẩm định hồ sơ. Thành phần hồ sơ dự xét chỉ được xác định là hợp lệ đối với bản gốc, bản chính hoặc bản sao đã được công chứng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hồ sơ dự xét không thể hiện đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chí thẩm định hồ sơ, minh chứng để xác định ưu tiên trong xét thăng hạng, thành viên Ban thẩm định hồ sơ báo cáo Trưởng ban thẩm định tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định việc yêu cầu cơ quan, đơn vị cử viên chức dự xét, viên chức có hồ sơ dự xét bổ sung thành phần hồ sơ dự xét. Trường hợp cho bổ sung thành phần hồ sơ dự xét thì thời hạn bổ sung là không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản của Hội đồng yêu cầu bổ sung; không giải quyết các trường hợp bổ sung thành phần hồ sơ dự xét sau thời hạn quy định kể cả trường hợp gửi theo đường bưu chính.
Khi thẩm định hồ sơ, nếu các thành viên Ban thẩm định hồ sơ không thống nhất kết quả thẩm định thì chuyển hồ sơ dự xét và kết quả thẩm định của các thành viên lên Trưởng ban thẩm định để xem xét, quyết định hoặc báo cáo Trưởng ban thẩm định tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định.
Kết quả thẩm định của từng hồ sơ dự xét được tổng hợp vào bảng tổng hợp chung kết quả thẩm định có chữ ký của các thành viên tham gia thẩm định hồ sơ và Trưởng ban thẩm định hồ sơ.
Trưởng ban Thẩm định bàn giao kết quả thẩm định của từng hồ sơ dự xét, bảng tổng hợp chung kết quả thẩm định được đóng trong túi còn nguyên niêm phong cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng.
Khi giao, nhận (kể cả bổ sung thành phần hồ sơ dự xét, nếu có) phải lập biên bản bàn giao, có chữ ký xác nhận của bên giao, bên nhận, đại diện Hội đồng, đại diện Ban giám sát.
Chủ tịch Hội đồng tổ chức họp Hội đồng để xem xét kết quả xét thăng hạng; các thành viên của Hội đồng trao đổi, thảo luận công khai, dân chủ về kết quả xét thăng hạng; thống nhất kết quả kỳ xét thăng hạng và danh sách viên chức trúng tuyển.
Chủ tịch Hội đồng báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức xem xét, quyết định phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng và danh sách viên chức trúng tuyển theo quy định.
Việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng được thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP và quy định của Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.
Minh Hiển