Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Dự thảo đề xuất quy định đối với công tác điều tra an toàn hàng không mà Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) được ủy quyền thực hiện không nằm trong phạm vi điều tra theo quy định tại Nghị định 75/2007/NĐ-CP ngày 09/05/2007 của Chính phủ về Điều tra sự cố, tai nạn tàu bay dân dụng; thông báo ban đầu, điều tra, phân tích và báo cáo an toàn hàng không; bảo vệ hiện trường, bưu kiện, hàng hóa và các hồ sơ liên quan đến các tai nạn an toàn hàng không trên lãnh thổ Việt Nam.
Mục đích của công tác điều tra an toàn hàng không là ngăn ngừa tai nạn, sự cố an toàn hàng không. Việc điều tra tai nạn, sự cố an toàn hàng không không nhằm mục đích xác định lỗi hoặc quy trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân.
Theo dự thảo, tai nạn, sự cố và vụ việc an toàn hàng không được phân loại cụ thể như sau: 1- Tai nạn: Mức A; 2- Sự cố nghiêm trọng: Mức B; 3- Sự cố uy hiếp an toàn cao: Mức C; 4- Sự cố uy hiếp an toàn: Mức D; 5- Vụ việc: Mức E.
Báo cáo ban đầu về tai nạn, sự cố an toàn hàng không
Dự thảo nêu rõ, tai nạn (Mức A), sự cố nghiêm trọng (Mức B) và sự cố uy hiếp an toàn cao (Mức C) phải được báo cáo ngay lập tức hoặc ngay khi có thể bằng các phương tiện thông tin liên lạc thuận tiện nhất theo yêu cầu sau:
Người khai thác tàu bay dân dụng đăng ký quốc tịch Việt Nam hoặc tàu bay công vụ không vì mục đích quân sự hoặc tàu bay đăng ký quốc tịch nước ngoài khi khai thác trên lãnh thổ Việt Nam phải thông báo ngay lập tức về tai nạn, sự cố nghiêm trọng (Mức B) và sự cố có uy hiếp an toàn cao (Mức C) đối với tàu bay do mình khai thác. Tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay báo cáo ngay về tai nạn, sự cố nghiêm trọng (Mức B) và sự cố uy hiếp an toàn cao (Mức C) xảy ra trong công tác cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
Người khai thác Cảng hàng không, sân bay báo cáo ngay về tai nạn, sự cố nghiêm trọng (Mức B) và sự cố uy hiếp an toàn cao (Mức C) xảy ra tại cảng hàng không sân bay. Cảng vụ hàng không báo cáo về các tai nạn, sự cố nghiêm trọng (Mức B) và sự cố uy hiếp an toàn cao (Mức C) xảy ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ.
Yêu cầu báo cáo ban đầu này còn được áp dụng cho trường hợp quá thời hạn quy định về báo cáo mà tàu bay chắc chắn là đã bị lâm nạn.
Bảo vệ dữ liệu, hiện trường
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân thực hiện tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường trong trường hợp xảy ra sự cố và vụ việc an toàn hàng không.
Cơ quan điều tra sự cố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện hoạt động bảo vệ hiện trường, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể sau đây: 1- Bảo vệ tài sản để không bị cháy hoặc hư hỏng thêm; không làm xáo trộn hiện trường; không làm hư hỏng hoặc xáo trộn, mất mát hàng hoá, hành lý và các đồ vật khác chuyên chở trên tàu bay; 2- Chụp ảnh, quay phim hoặc các biện pháp cần thiết khác để lưu giữ vật chứng dễ bị mất hoặc biến dạng.
Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay liên quan trong tai nạn, sự cố được thông báo phải chịu trách nhiệm về bảo vệ hiện trường và tất cả các hồ sơ liên quan đến hoạt động khai thác, bảo dưỡng và các nhân viên hàng không cho đến khi bàn giao cho nhà chức trách thực hiện điều tra hoặc khi có lệnh giải phóng hiện trường.
Điều tra tai nạn, sự cố và vụ việc an toàn hàng không
Cục HKVN thực hiện điều tra tai nạn (Mức A), sự cố nghiêm trọng (Mức B) theo quy định. Cục HKVN đánh giá tính chất của sự cố uy hiếp an toàn cao (Mức C) và sẽ quyết định việc uỷ quyền điều tra cho các tổ chức, cá nhân liên quan.
Điều tra tai nạn, sự cố và vụ việc an toàn hàng không bao gồm các nội dung sau đây: Thu thập, ghi lại và phân tích các thông tin thu thập; nghiên cứu, xác định nguyên nhân xảy ra; ban hành khuyến cáo an toàn đối với việc đảm bảo an toàn hàng không; lập báo cáo điều tra tai nạn, sự cố và vụ việc an toàn hàng không.
Người thực hiện điều tra tai nạn, sự cố và vụ việc an toàn hàng không phải đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn liên quan đến lĩnh vực điều tra.
Cục HKVN có quyền trưng dụng người có đủ năng lực, trình độ của các tổ chức của Việt Nam sau đây để phục vụ hoạt động điều tra bao gồm: Người khai thác tàu bay; cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; cơ sở thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng và thử nghiệm tàu bay; tổ chức xã hội nghề nghiệp về hàng không.
Trong quá trình điều tra tai nạn, sự cố và vụ việc an toàn hàng không, Cục HKVN có quyền gửi văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan áp dụng ngay các biện pháp tăng cường an toàn hàng không.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.