Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là một trong những nội dung được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Di sản văn hóa.
Theo dự thảo, trường hợp giám định cổ vật theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
Dự thảo yêu cầu việc giám định cổ vật phải đảm bảo nguyên tắc: Tuân thủ pháp luật; Trung thực, chính xác, khách quan; Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến cổ vật trong phạm vi được yêu cầu; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định.
Dự thảo cũng quy định những hành vi vi phạm, làm sai lệch kết quả giám định gồm: Cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật; Lợi dụng việc thực hiện giám định cổ vật để trục lợi; Thực hiện giám định cổ vật khi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hiện vật giám định.
Dự thảo hướng dẫn cụ thể về yêu cầu và tiếp nhận yêu cầu giám định cổ vật. Theo đó, tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ yêu cầu giám định cổ vật đến cơ sở giám định cổ vật. Hồ sơ yêu cầu giám định bao gồm: Văn bản yêu cầu giám định cổ vật; Ảnh hiện vật; Tài liệu chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hiện vật và các tài liệu có liên quan đến hiện vật (nếu có).
Cơ sở giám định cổ vật tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giám định, tiến hành dự toán chi phí giám định, thỏa thuận và thực hiện ký kết Hợp đồng giám định cổ vật với tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định, trừ trường hợp từ chối thực hiện việc giám định.
Cơ sở giám định cổ vật từ chối thực hiện giám định cổ vật trong các trường hợp sau: Không đáp ứng yêu cầu thực hiện việc giám định; Hiện vật giám định có nguồn gốc không hợp pháp; Các tài liệu liên quan đến hiện vật giám định do tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định.
Việc giao, nhận hiện vật trước khi giám định và sau khi giám định phải được lập thành biên bản; Cơ sở giám định cổ vật có trách nhiệm bảo quản hiện vật giám định và các tài liệu liên quan đến hiện vật giám định.
Dự thảo đề xuất quy định về chi phí thực hiện giám định: Căn cứ đối tượng, nội dung yêu cầu, tính chất và khối lượng công việc giám định cần thực hiện, cơ sở giám định cổ vật lập dự toán chi phí thực hiện giám định và thỏa thuận với tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định cổ vật.
Chi phí thực hiện giám định bao gồm một phần hoặc toàn bộ các chi phí sau:
a) Chi phí thí nghiệm;
b) Chi phí máy móc, thiết bị phục vụ cho giám định;
c) Chi phí nghiên cứu hồ sơ tài liệu;
d) Chi phí cho các buổi thảo luận, nhận xét, đánh giá hiện vật;
đ) Chi phí bảo quản hiện vật;
e) Chi phí quản lý và các chi phí cần thiết khác.
Dự thảo đề xuất hợp đồng giám định cổ vật có những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định cổ vật; tên, địa chỉ và người đại diện theo pháp luật của cơ sở giám định cổ vật;
2. Nội dung yêu cầu giám định;
3. Địa điểm, thời gian thực hiện việc giám định;
4. Chi phí giám định và phương thức thanh toán;
5. Quyền và nghĩa vụ của các bên;
6. Nghiệm thu và thanh lý hợp đồng;
7. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại; phương thức giải quyết tranh chấp;
8. Các điều kiện khác theo thỏa thuận (nếu có).
Việc giám định cổ vật phải do Tổ chuyên gia giám định cổ vật thực hiện.
Tổ chuyên gia do người đứng đầu cơ sở giám định cổ vật thành lập, gồm có tổ trưởng và các thành viên. Số lượng thành viên Tổ chuyên gia phải là số lẻ và có từ 03 thành viên trở lên.
Tùy theo nội dung yêu cầu giám định, cơ sở giám định cổ vật có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn hoặc am hiểu về cổ vật của các cơ quan, tổ chức khác tham gia là thành viên của Tổ chuyên gia.
Tổ chuyên gia hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, biểu quyết công khai về kết luận giám định. Các thành viên của Tổ chuyên gia thảo luận tập thể về vấn đề giám định, ý kiến của các thành viên phải được ghi trong biên bản cuộc họp của Tổ chuyên gia.
Toàn bộ quá trình thực hiện giám định của Tổ chuyên gia phải được lập thành biên bản giám định do tổ trưởng và các thành viên Tổ chuyên gia cùng ký. Biên bản giám định phải được ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực và được lưu trong hồ sơ giám định cổ vật.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản giám định, người đứng đầu cơ sở giám định cổ vật phải xem xét và quyết định cấp Giấy chứng nhận cổ vật. Giấy chứng nhận cổ vật phải lập ít nhất thành 02 bản, 01 bản trả cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định, 01 bản lưu trong hồ sơ giám định cổ vật.
Trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định cổ vật, cơ sở giám định cổ vật phải có thông báo kịp thời bằng văn bản và được sự thỏa thuận của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nước Nước