Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo dự thảo, Hội đồng định giá tài sản được thành lập ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện); tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); ở Trung ương.
Hội đồng định giá tài sản cấp huyện, cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan tài chính cùng cấp để định giá các loại tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Theo Nghị định 26/2005/NĐ-CP hiện hành, Hội đồng định giá tài sản ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập. Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất quy định: Hội đồng định giá tài sản ở trương ương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật quyết định thành lập để thực hiện định giá tài sản phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định. Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản.
Theo dự thảo, thành phần của Hội đồng định giá cấp huyện, cấp tỉnh bao gồm: Một lãnh đạo của cơ quan tài chính là Chủ tịch Hội đồng; một chuyên viên về giá của cơ quan tài chính là thành viên Thường trực Hội đồng; đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn là thành viên Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, Chủ tịch Hội đồng quyết định thành viên cụ thể cho từng vụ việc.
Thành phần của Hội đồng định giá tài sản ở Trung ương bao gồm: Một lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc lãnh đạo cơ quan chuyên môn được ủy quyền của Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật về giá và pháp luật chuyên ngành là Chủ tịch Hội đồng; một lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật là thành viên Thường trực Hội đồng; đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn là thành viên của Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, Chủ tịch Hội đồng quyết định thành viên cụ thể cho từng vụ việc.
Dự thảo nêu rõ, số lượng thành viên của Hội đồng định giá tài sản tối thiểu là 3 người. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập Tổ chuyên viên giúp việc cho Hội đồng.
Hoạt động của Hội đồng định giá tài sản
Theo dự thảo, Hội đồng định giá tài sản hoạt động theo cơ chế tập thể. Hội đồng định giá tài sản được sử dụng con dấu của cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc cơ quan của Chủ tịch Hội đồng và được ghi trong quyết định thành lập Hội đồng. Hội đồng định giá tài sản tiến hành định giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định này và các quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Hội đồng định giá tài sản chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Quyết định thành lập Hội đồng.
Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng định giá tài sản. Thành phần, số lượng của Hội đồng định giá tài sản trong trường hợp đặc biệt do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định cụ thể, trong đó đại diện lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ban hành quyết định thành lập Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng; người của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ban hành quyết định thành lập Hội đồng là thành viên Thường trực Hội đồng. Việc định giá lại của Hội đồng định giá trong trường hợp đặc biệt được thực hiện theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá quy định tại Nghị định này và các quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Hội đồng định giá trong trường hợp đặc biệt chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Quyết định thành lập Hội đồng.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn