Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, giám định về quyền tác giả, quyền liên quan là đưa ra đánh giá, kết luận về những vấn đề liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan như xác định phạm vi bảo hộ, xác định đối tượng có bị coi là yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hay không, xác định có trùng, tương đương, sao chép… hay không. Tuy nhiên, quy trình cụ thể để thực hiện việc giám định tư pháp đối với lĩnh vực này hiện nay chưa được quy định.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất dự thảo Thông tư quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan trên cơ sở cụ thể hóa Luật giám định tư pháp, đồng thời bảo đảm phù hợp với pháp luật chuyên ngành về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo đó, quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm: Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định; chuẩn bị thực hiện giám định; thực hiện giám định; kết luận giám định; bàn giao kết luận giám định; lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định.
Trong đó, khi thực hiện giám định, người giám định tư pháp xem xét đối tượng giám định và sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật trên cơ sở hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định. Việc xem xét giám định bao gồm một hoặc các nội dung sau đây: Nội dung, giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan; các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét và đối tượng được bảo hộ; các nội dung khác có liên quan về quyền tác giả, quyền liên quan.
Người giám định tư pháp có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.