Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học mà Việt Nam là quốc gia thành viên, ngày 21/6/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene.
Trải qua 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định đã và đang phát huy hiệu quả trong việc quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene tại Việt Nam, cụ thể: 07 sự kiện ngô biến đổi gene đã được công nhận kết quả khảo nghiệm hạn chế, 06 sự kiện ngô biến đổi gene đã được công nhận kết quả khảo nghiệm diện rộng, 05 sự kiện ngô biến đổi gene được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học, 39 sự kiện ngô, đậu tương, bông, cỏ linh lăng và cải dầu biến đổi gene được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, có một số quy định cần được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với thực tiễn quản lý. cụ thể như sau:
Các quy định về khảo nghiệm đánh giá rủi ro của sinh vật biến đổi gene đối với môi trường và đa dạng sinh học được quy định tại Chương 4 Nghị định số 69/2010/NĐ-CP (từ Điều 14 đến Điều 21). Trong đó, một số nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận Cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene; trình tự, thủ tục cấp, thu hồi Giấy phép khảo nghiệm được Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết. Ngày 27/10/2009, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 69/2009/TT-BNNPTNT quy định khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường của giống cây trồng biến đổi gene. Tuy nhiên, ngày 13/8/2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 09/2018/TT-BNNPTNT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành bao gồm việc bãi bỏ Thông tư số 69/2009/TT-BNNPTNT. Như vậy, việc bãi bỏ Thông tư số 69/2009/TT-BNNPTNT đồng nghĩa với việc các quy định cụ thể của văn bản này về hướng dẫn trình tự, thủ tục khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene hết hiệu lực.
Từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép cho các công ty được phép khảo nghiệm hạn chế và diện rộng các sự kiện ngô biến đổi gene nhằm đánh giá ảnh hưởng của chúng đối với môi trường và đa dạng sinh học tại Việt Nam (tính trung bình, thời gian để hoàn thành khảo nghiệm hạn chế và diện rộng đối với 01 sự kiện ngô biến đổi gene là khoảng 2-3 năm). Đến nay, các công ty đã hoàn thành khảo nghiệm 07 sự kiện ngô biến đổi gene, trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận kết quả khảo nghiệm đối với 05 sự kiện ngô biến đổi gene (MON89034, NK603, Bt11, GA21, TC1507). Hiện vẫn còn 02 hồ sơ của sự kiện ngô biến đổi gene MIR162 và MON810 chưa được công nhận kết quả khảo nghiệm. Tuy nhiên, do Thông tư số 69/2009/TT-BNNPTNT bị bãi bỏ, do đó việc thực hiện các hoạt động khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với thực vật biến đổi gene đang gặp khó khăn và không thể triển khai do không có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép phải được quy định ở văn bản cấp Nghị định. Do đó, việc bổ sung các quy định chi tiết về khảo nghiệm đánh giá rủi ro của thực vật biến đổi gene đối với môi trường và đa dạng sinh học là rất cần thiết.
Với quy định về vận chuyển quá cảnh sinh vật biến đổi gene, sản phẩm sinh vật biến đổi gene, Khoản 3 Điều 42 của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP quy định: “Trường hợp vận chuyển quá cảnh sinh vật biến đổi gene, sản phẩm của sinh vật biến đổi gene không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 của Điều này qua lãnh thổ Việt Nam mà phải bốc dỡ xuống cảng thì chủ hàng phải gửi văn bản bao gồm thông tin quy định tại Phụ lục I của Nghị định này đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, cho phép. Hải quan cửa khẩu chỉ tiến hành thủ tục quá cảnh sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép.”
Tuy nhiên sau 10 năm, kể từ khi Nghị định số 69/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đăng ký thủ tục hành chính này hoặc các thông tin có liên quan đến quá cảnh sinh vật biến đổi gen từ cơ quan hải quan. Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương, việc quá cảnh sinh vật biến đổi gene thuộc quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP:
“a) Đối với hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép quá cảnh.
c) Đối với hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này, thủ tục quá cảnh thực hiện tại cơ quan hải quan”.
Như vậy, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn, quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép vận chuyển quá cảnh các sinh vật biến đổi gene tại Khoản 3 Điều 42 Nghị định số 69/2010/NĐ-CP cần được xem xét, bãi bỏ và khi đó, chủ hàng chỉ thực hiện các thủ tục quá cảnh tại cơ quan hải quan theo quy định pháp luật.
Vì những lý do trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene là cần thiết.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.