Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia (Bộ Y tế) đang đề xuất thành lập các trung tâm điều phối ghép tạng theo vùng. Ảnh: VGP/Hoàng Phúc |
Tại Hội thảo quốc tế về điều phối ghép tạng vừa được tổ chức, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cho biết, mỗi năm, ngành ghép tạng Việt Nam lại xác lập thêm được nhiều thành tựu mới, khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm thế giới.
Mặc dù Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân. Hầu như ngày nào tại các bệnh viện cũng có hàng chục bệnh nhân chết não nhưng số trường hợp hiến tạng còn ít. Trong khi đó việc kết nối thông tin giữa các trung tâm ghép tạng chưa đáp ứng yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng nhận định, hiện nay 19 trung tâm ghép tạng ở nước ta kết nối thông tin chưa hiện đại. Ở các nước phát triển như Mỹ, phần mềm kết nối giúp tra cứu thông tin rất nhanh và chúng ta cần tiến tới kết nối với các trung tâm ghép tạng lớn trong khu vực để có thể điều phối ghép tạng được nhanh hơn và có hiệu quả hơn.
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức điều phối ghép tạng, Bác sĩ David K. Klassen, Giám đốc Mạng lưới chia sẻ các cơ quan nội tạng (UNOS) của Mỹ cho biết, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, ngành ghép tạng của Mỹ đang phải đối mặt với thực tế thiếu nguồn tạng ghép. Tuy nhiên, Mỹ là một trong những nước tiến nhanh nhất thế giới trong hoạt động hiến, ghép tạng. Một trong những lý do nằm ở nhận thức của đội ngũ các nhà lãnh đạo cấp cao và dẫn đến sự hoàn thiện khung pháp lý tương ứng.
Tại Nhật Bản, Pháp và nhiều nước châu Âu cũng nhờ hoạt động hiệu quả của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia mà ngành ghép tạng của các nước này đạt được nhiều thành tựu to lớn. Riêng mô hình quản lý và điều phối của Nhật Bản được Tổ chức Y tế thế giới coi là mô hình chuẩn để các quốc gia trên thế giới áp dụng.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, Luật hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người ban hành từ năm 2006, tuy muộn so với các nước phát triển trên thế giới nhưng ngành y cũng đã theo kịp tiến trình ghép tạng như ghép thận, gan, tim. Hiện cả nước đã có gần 20.000 người đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời, tăng hàng trăm lần so với 5 năm trước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, qua triển khai thực tế đã nảy sinh một số bất cập trong hệ thống chính sách pháp luật về hiến mô tạng, như quy định người dưới 18 tuổi không được hiến mô tạng, chưa có quy định về ghép tạng được bảo hiểm y tế thanh toán, chưa có quy định về sự tham gia của các quỹ hỗ trợ nhân đạo cho bệnh nhân ghép tạng…
Chính vì vậy, đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đề xuất Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện hiến tạng như đăng ký hiến tạng sau chết não không giới hạn độ tuổi và phải được bố mẹ cùng đồng ý… Trung tâm cũng đề xuất thành lập các trung tâm điều phối vùng, xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở cho bảo hiểm y tế thanh toán, đề xuất mức hỗ trợ của bảo hiểm y tế từ 50% trở lên…
Thúy Hà