Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Khánh Hòa có vị trí chính trị, kinh tế quan trọng, là tỉnh ven biển Nam Trung bộ có mạng lưới giao thông khá thuận lợi và lợi thế tự nhiên về biển, đảo, sông, núi... Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả, chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển. Khánh Hòa chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân, động lực phát triển, cửa ngõ chính ra Biển Đông của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Do đó, cần thiết phải tạo cơ chế đặc thù mang tính đột phá sẽ huy động tối đa nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa.
Việc Chính phủ cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa nhằm bổ sung nguồn lực phục vụ phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa sẽ thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Khánh Hoà, góp phần thực hiện chủ trương "gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia" nêu trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị.
Theo dự thảo, Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa (Quỹ) là Quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá (khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, khoa học công nghệ phục vụ cho các hoạt động thủy sản), đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.
Quỹ có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ theo quy định; tài trợ của các hoạt động, dự án bổ sung nguồn lực phục vụ phát triển nghề cá, đầu tư phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ…
Theo dự thảo, nguồn tài chính của Quỹ bao gồm: Nguồn hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (không bao gồm ngân sách của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa); nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn từ trích lập sau chênh lệnh thu chi hằng năm của Quỹ và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
Về nội dung chi, Quỹ thực hiện các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa.
Bên cạnh đó, hỗ trợ hoạt động khai thác thủy sản tại huyện Trường Sa, gồm: tàu, nhiên liệu, ngư lưới cụ, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị bảo quản, thiết bị an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác; hỗ trợ hoạt động nuôi trồng thủy sản tại huyện Trường Sa, gồm: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, lồng, bè nuôi trồng thủy sản.
Quỹ chi hỗ trợ hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bao gồm: Thực hiện đồng quản lý, bảo tồn, tàu, xuồng tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái; hỗ trợ dịch vụ phục vụ nghề cá, bao gồm: sửa chữa tàu, lồng bè, vận chuyển nhiên liệu, thủy sản, thực phẩm.
Đồng thời, Quỹ chi các nội dung tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân tại huyện Đảo Trường Sa; kinh phí hoạt động của cơ quan quản lý Quỹ chi từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn