Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 30/5/2022 về việc tăng cường công tác thống kê nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu phương án sắp xếp, kiện toàn, nâng cấp 2 Trường Cao đẳng Thống kê bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức, hoạt động và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Trường Cao đẳng Thống kê đã qua 63 năm xây dựng và phát triển; tiền thân là Trường Nghiệp vụ Thống kê, thành lập ngày 20/02/1960; được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Thống kê ngày 23/8/2004 theo Quyết định số 4700/QĐ-BGDĐT-TCCB của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới các Trường Đại học giai đoạn 2006-2020. Trường Cao đẳng Thống kê II cũng có lịch sử 47 năm thành lập; tiền thân là Trường Trung học Thống kê II, thành lập ngày 23/8/1976; được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Thống kê II ngày 31/3/2015 theo Quyết định số 1069/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với bề dầy lịch sử phát triển như trên, Trường Cao đẳng Thống kê và Trường Cao đẳng Thống kê II đã xây dựng được đội ngũ giáo viên có trình độ; tích luỹ được kinh nghiệm giảng dạy chuyên ngành Thống kê; cùng với tiềm lực hiện có về cơ sở vật chất ban đầu, cho thấy việc sáp nhập 2 trường sẽ hội tụ đủ điều kiện nâng cấp thành Trường Đại học Thống kê, gồm 2 cơ sở, đặt tại 2 Trường Cao đẳng Thống kê hiện nay.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sáp nhập, nâng cấp 2 Trường Cao đẳng Thống kê, thành lập Trường Đại học Thống kê không chỉ có tính khả thi cao; mà còn đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần từng bước giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực thống kê có trình độ đại học đã và đang tồn tại.
Hiện nay, cả nước có 237 Trường Đại học, nhưng đào tạo chuyên ngành Thống kê chủ yếu ở 4 trường: Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội; Đại học Huế; Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Số sinh viên chuyên ngành Thống kê tốt nghiệp hằng năm khoảng 300 - 400 người, chiếm 0,2% tổng số sinh viên tốt nghiệp của 4 trường này.
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, một bộ phận đáng kể sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thống kê tìm vị trí việc làm tại các lĩnh vực khác. Số còn lại thấp xa so với nhu cầu tuyển dụng nhân lực thống kê trình độ đại học của Tổng cục Thống kê; Thống kê bộ, ngành; Thống kê sở, ban, ngành của 63 UBND cấp tỉnh; Thống kê của Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc 705 Đơn vị hành chính cấp huyện, 10.985 UBND cấp xã; 5000 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp và các tổ chức, đơn vị khác trên phạm vi cả nước.
Đối với cơ quan Tổng cục Thống kê, việc sáp nhập Trường Cao đẳng Thống kê và Trường Cao đẳng Thống kê II, thành lập trường Đại học Thống kê sẽ tinh gọn hơn do tiếp tục giảm thêm một đơn vị sự nghiệp; đồng thời có thể chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực thống kê chất lượng cao.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương