Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính cho biết, Nghị định của Chính phủ được xây dựng nhằm triển khai Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Dự thảo quy định rõ về xác định số thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghị Sơn và số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, phạm vi xác định số thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn như sau: Chỉ xác định phạm vi số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đăng ký tờ khai hải quan tại Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa.
Phạm vi xác định số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn thuế là: Chỉ tính đối với số thuế giá trị gia tăng được hoàn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (không tính trừ thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng).
Số thuế giá trị gia tăng nhập khẩu được ngân sách trung ương hoàn thuế là số thuế giá trị gia tăng nhập khẩu tương ứng với số đã chi hoàn trong năm ngân sách, được xác định bằng công thức sau đây:
Trong đó:
a) Số thuế đã hoàn từng kỳ là số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng theo Lệnh chi hoàn thuế đã được ngân sách trung ương chi hoàn trong năm ngân sách của các doanh nghiệp nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, không tính trừ số thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng (nếu phát sinh).
b) Số thuế giá trị gia tăng đã nộp của hàng hóa nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu từng kỳ hoàn là tổng số thuế giá trị gia tăng đã nộp khâu nhập khẩu của các doanh nghiệp nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn tương ứng kỳ hoàn thuế (căn cứ số hải quan cung cấp và số người nộp thuế kê khai).
c) Tổng số thuế giá trị gia tăng đầu vào trong kỳ hoàn của từng hồ sơ là tổng số thuế giá trị gia tăng đã nộp khâu nhập khẩu cộng với số thuế giá trị gia tăng mua vào trong nước đủ điều kiện khấu trừ của các doanh nghiệp nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn.
Theo Bộ Tài chính, việc chỉ xác định phạm vi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là do số nộp của các doanh nghiệp này chiếm 99,6% tổng số nộp; số hoàn thuế giá trị gia tăng chiếm 99,5% tổng số hoàn của các doanh nghiệp có xuất, nhập khẩu qua Nghi Sơn.
Đồng thời, không thể tính chính xác số thuế đã nộp khâu nhập khẩu được hoàn thuế mà cần thực hiện phân bổ theo công thức đề xuất nêu trên do:
(i) Kỳ nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào khâu nhập khẩu và kỳ hoàn thuế giá trị gia tăng không cùng năm ngân sách: Việc nộp thuế khâu nhập khẩu được thực hiện theo từng lần phát sinh hoạt động nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; việc kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng là theo định kỳ (tháng, quý), đồng thời số thuế giá trị gia tăng được hoàn phát sinh theo nhu cầu của người nộp thuế và theo thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế của cơ quan thuế.
(ii) Chưa có căn cứ pháp lý để xác định chính xác số thuế giá trị gia tăng được hoàn của hàng hóa nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu/hình thành tài sản cố định: Theo quy định pháp luật thuế giá trị gia tăng và quy định quản lý thuế hiện hành thì cơ quan thuế chỉ xác định được số thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã nộp khâu nhập khẩu và số thuế nội địa; không có căn cứ để cơ quan thuế phân tách chính xác số thuế giá trị gia tăng được hoàn chi tiết theo số thuế đã nộp khâu nhập khẩu và số thuế nội địa.
Trên cơ sở đó, phương án đề xuất để xác định phạm vi xác định số thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn và phạm vi xác định số thuế giá trị gia tăng được hoàn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nêu trên là phù hợp với thực tiễn và phù hợp với quy định của pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương