Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ Tài chính, diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới. Thực tế trong nước thời gian qua, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động.
Tình trạng sụt giảm doanh số và các giao dịch thương mại bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ giúp các doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Để góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu cần tiếp tục được thúc đẩy nhằm tạo động lực cho toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu trong thời gian tới là cần thiết, trong đó có chính sách giãn, hoãn các khoản thuế phải nộp ngân sách nhà nước.
Thực chất, cơ chế giãn, hoãn nộp thuế có tính chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai, từ đó tăng mức đóng góp cho ngân sách nhà nước. Chính sách gia hạn nộp thuế không làm giảm thu ngân sách nhà nước và phù hợp thẩm quyền của Chính phủ mà Luật Quản lý thuế đã quy định. Việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.
Từ các lý do nêu trên, để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải có giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường.
Dự thảo Nghị định quy định rõ đối tượng được giãn, hoãn. Bộ Tài chính đề xuất đối tượng được gia hạn như sau: Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với toàn bộ các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/04/2021 của Chính phủ.
Bộ Tài chính đề xuất phạm vi của chính sách là gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước như Nghị định số 52/2021/NĐ-CP.
Về thời gian thực hiện, đối với thuế giá trị gia tăng, để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính đề xuất như sau: Gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 5/2022 và quý I/2022, gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6/2022 và quý II/2022, gia hạn 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7/2022, gia hạn 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8/2022 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng nêu trên. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Theo Bộ Tài chính, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo phương án nêu trên thì tổng số thuế gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8/2022 và quý I, quý II/2022 là khoảng 53.300-54.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2022 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào ngân sách trước ngày 31/12/2022.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp như sau: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 thì ước tính số thuế được gia hạn khoảng 51.000-52.000 tỷ đồng.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2022 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 31/12/2022.
Theo Bộ Tài chính, số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 15.304 tỷ đồng nhưng số thu ngân sách của năm 2022 không giảm do hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào trước ngày 31/12/2022.
Đối với tiền thuê đất, thuê mặt nước, theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế thì thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước hàng năm là 2 kỳ (kỳ thứ nhất nộp 50% chậm nhất là ngày 31/5; kỳ thứ hai nộp đủ phần còn lại chậm nhất là ngày 31/10 hàng năm). Bộ Tài chính đề nghị: Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp kỳ đầu năm 2022, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022.
Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500-3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách của năm 2022 không giảm do doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào trước ngày 31/11/2022.
Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Việc gia hạn nhiều loại thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho doanh nghiệp được dư luận đánh giá cao. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, bởi trong một thời gian, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn lớn, thay vì nộp thuế cho Nhà nước, thì dành nguồn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, từ đó sẽ quay trở lại có đóng góp cho ngân sách.