Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự thảo Nghị định nêu rõ, loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được phân thành 2 Nhóm, gồm Nhóm I và Nhóm II.
Thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I
Theo dự thảo Nghị định, thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được xem xét đưa vào Nhóm I khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
1- Loài hiện có tên trong Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam;
2- Loài hiện có tên trong Danh lục Đỏ IUCN ở bậc đe dọa từ Nguy cấp (EN) đến Cực kỳ nguy cấp (CR) hoặc loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam ở bậc đe dọa từ Nguy cấp (EN) đến Cực kỳ nguy cấp (CR) được cơ quan khoa học CITES Việt Nam lập hồ sơ đánh giá cần có biện pháp quản lý nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại;
3- Loài không thuộc điểm 1, 2 nêu trên có phân bố tại Việt Nam nhưng có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên trong vòng 3 thế hệ hoặc 10 năm tới được cơ quan khoa học CITES Việt Nam lập hồ sơ đánh giá cần có biện pháp quản lý nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được xem xét đưa vào Nhóm II khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
1- Loài hiện có tên trong Phụ lục II, Phụ lục III CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam;
2- Loài hiện có tên trong Danh lục Đỏ IUCN ở bậc đe dọa từ sẽ nguy cấp (VU) trở lên hoặc loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam ở bậc đe dọa từ sẽ nguy cấp (VU) trở lên được cơ quan khoa học CITES Việt Nam lập hồ sơ đánh giá cần có biện pháp quản lý hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại;
3- Loài không thuộc điểm 1, 2 nêu trên đang bị khai thác và buôn bán quá mức, được cơ quan khoa học CITES Việt Nam đánh giá là có khả năng sẽ bị nguy cấp trong tự nhiên, cần có biện pháp quản lý hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Dự thảo Nghị định nêu rõ quy định bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, hoạt động khai thác, nuôi, trồng, nhốt, giết, chế biến, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên.
Mọi hoạt động khai thác, nuôi, trồng, nhốt, giết, chế biến, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, quảng cáo, trưng bày mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được quản lý, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.
Khu vực sinh cảnh sống thường xuyên, tập trung của các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được nghiên cứu làm cơ sở để thành lập các khu rừng đặc dụng.
Dự thảo Nghị định nêu rõ: Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, điều tra, thăm dò, nghiên cứu, tham quan, du lịch và các hoạt động khác trong các diện tích rừng có thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện các quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan.
Không sử dụng công cụ, phương tiện để khai thác mẫu vật từ tự nhiên như: Các loại vũ khí, tên tẩm thuốc độc, chất nổ, chất độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy cắm chông, bẫy gài lao, bẫy điện, bẫy sập, bẫy lưới, bẫy lồng, bẫy keo, ná cao su, khúc gỗ lớn, răng sắt lớn, thiết bị phát tiếng kêu động vật, trừ một số trường hợp như khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, đối ngoại và bảo tồn.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Đức