Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của tổ hợp tác và thi hành Nghị định 151/2007/NĐ-CP của 50/63 tỉnh, thành phố, hiện có 78.306 tổ hợp tác (ước toàn quốc có khoảng 98.600 tổ hợp tác).
Khu vực tổ hợp tác thu hút 1.285.106 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 1.091.015 lao động, doanh thu bình quân của một tổ hợp tác năm 2016 là 229 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 35 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm.
Tổ hợp tác với tư cách là tổ chức trung gian, kết nối giữa các hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trước khi phát triển lên thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, là hình thức sản xuất rất phù hợp với tình hình và điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là mô hình hợp tác không quá phức tạp, quy mô không lớn; là hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tự nguyện; được hình thành trên cơ sở nhu cầu của các hộ kinh tế cá thể và người lao động; thuận tiện trong việc liên kết, hợp tác với các thành viên và đủ điều kiện để áp dụng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; phù hợp với xu hướng phát triển chung; là tiền đề và là cơ sở cho phát triển doanh nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy rằng hình thức hợp tác giản đơn giữa các nhà sản xuất nhỏ như tổ hợp tác đặc biệt thích hợp với trình độ phát triển hiện nay ở Việt Nam, nhất là trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế do: (1) đáp ứng nguyện vọng của nông dân, (2) bước đầu đã khắc phục được những khó khăn của từng hộ nông dân riêng lẻ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên; (3) góp phần nâng cao năng lực của kinh tế hộ, giúp các hộ sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn; (4) thực hiện nhiệm vụ đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật và trung gian trong liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp trong thực hiện cánh đồng lớn…
Ngày 21/11/2015, Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự số 90/2015/QH13, trong đó các quy định về tổ hợp tác được quy định mới tại các điều 101 – 104 và điều 504- 512 (hợp đồng hợp tác). Một số vấn đề liên quan đến tổ hợp tác theo quy định tại Bộ luật dân sự đã thay đổi một cách cơ bản (từ thành viên, thành lập đến tổ chức, hoạt động và tư cách của tổ khi tham gia giao dịch dân sự). Do vậy rất cần thiết phải điều chỉnh, thay thế Nghị định số 151/2007/NĐ-CP bằng một Nghị định mới để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ hợp tác hoạt động, tuân theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Nghị định về tổ hợp tác gồm 8 chương, 37 điều. Trong đó nêu rõ tổ hợp tác được tổ chức và hoạt động dựa trên các nguyên tắc sau: 1- Cá nhân, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập và rút khỏi tổ hợp tác; 2- Thành viên tổ hợp tác có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vào phần đóng góp của thành viên trong việc quyết định tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác trừ trường hợp hợp đồng hợp tác quy định khác; 3- Tổ hợp tác chịu trách nhiệm cho các hoạt động của tổ bằng tài sản chung của tổ do các thành viên đóng góp, tích lũy và bằng tài sản riêng của các thành viên theo thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác; 4- Thành viên tổ hợp tác có ý thức phát huy tinh thần xây dựng cộng đồng và hợp tác với nhau trong tổ hợp tác, trong cộng đồng xã hội, quan tâm và giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh và đời sống; 5- Biểu quyết theo đa số.
Dự thảo nêu rõ, tổ hợp tác được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như hợp tác xã. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện đặc thù của từng địa phương có các chính sách hỗ trợ đối với tổ hợp tác phù hợp.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.