Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Trao thưởng những sinh viên có công trình KH xuất sắc: Ảnh : VGP/Nguyệt Hà |
Từ kết quả sơ loại của các chuyên gia phản biện, đã có 34 công trình đủ tiêu chuẩn để tham gia xét chọn và chung khảo có 21 công trình được trao Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN.
Tổng số lượng công trình dự thi cấp đơn vị của toàn ĐHQGHN: 1552
- Tổng số sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học: 2363 - Số công trình do sinh viên năm thứ 3 và thứ 4 thực hiện chiếm 83% tổng số công trình. - Số công trình dự xét thưởng cấp ĐHQGHN: 41 - Số công trình được giải thưởng cấp ĐHQGHN: 21, trong đó: Nhóm lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn (8 giải): 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Nhóm lĩnh vực Khoa học Tự nhiên-Y dược (4 giải): 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 2 giải Ba Nhóm lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật Công nghệ (5 giải): 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 2 giải Ba Nhóm lĩnh vực Khoa học liên ngành (4 giải): 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. |
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đánh giá, các đề tài được xét thưởng có tính độc đáo, đa dạng, phong phú, gắn liền với định hướng nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN và các đơn vị. Nội dung các đề tài đã bám sát những vấn đề thực tiễn đất nước và sự quan tâm của xã hội (như truyền thông xã hội, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường).
Một số công trình có hướng tiếp cận rất mới và bám sát thực tiễn xã hội như công trình “Thực trạng bắt nạt trực tuyến và cách ứng phó của học sinh” của nhóm sinh viên Nguyễn Phương Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Thắm và Ngô Thùy Dương (ĐH Giáo dục); công trình “Nghiên cứu thành phần vật chất kaolin khu vực mỏ Ngọt, Phú Thọ và đề xuất phương án thu hồi tiết kiệm tài nguyên” của nhóm sinh viên Tạ Thị Hường, Ngô Thị Dinh (ĐH Khoa học Tự nhiên).
Không ít công trình gắn với các vấn đề có tính thời sự và giải quyết thực tiễn, bao trùm cả ở 4 nhóm lĩnh vực. Tiêu biểu trong số này là các công trình: “Thực trạng bắt nạt trực tuyến và cách ứng phó của học sinh” (ĐH Giáo dục), “Tiếp cận kinh tế vỉa hè dưới góc độ phân chia quyền lợi về không gian mưu sinh của một số nhóm người ở khu vực nội thành Hà Nội (Nghiên cứu trường hợp tại quận Cầu Giấy và quận Hoàn Kiếm)” (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn).
Phần lớn các báo cáo của sinh viên là những công trình khoa học nghiêm túc, đạt chất lượng tốt với dữ liệu nghiên cứu phong phú và phương pháp nghiên cứu hiện đại.
Đặc biệt, trong số những công trình đoạt giải đã có những công trình có sản phẩm khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Đó là công trình “Phân tích động lực học phi tuyến và dao động của vỏ thoải hai độ cong FGM áp điện có kể đến ảnh hưởng của cản nhớt và chịu tác dụng của tải trọng nhiệt-điện-cơ” của sinh viên Vũ Đình Luật (ĐH Công Nghệ).
Ngoài những công trình thể hiện được năng lực công bố và tính cập nhật trước các vấn đề xã hội còn những công trình bước đầu tạo ra được sản phẩm công nghệ, sản phẩm ứng dụng, tiêu biểu là “Chương trình Cờ toán Việt Nam” của nhóm sinh viên Nguyễn Hà Thanh, Trần Hữu Trung, Trần Văn Hưng thuộc ĐH Công nghệ.
Nguyệt Hà