Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Học sinh Trường PTDT bán trú - THCS Phì Nhừ (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đều đeo khẩu trang (Điện Biên cho học sinh học trở lại từ 22/2). Ảnh: Báo Điện Biên Phủ |
Trong số 63 tỉnh, thành phố, hiện chỉ còn Hải Dương, Hải Phòng chưa công bố chính thức ngày cho học sinh trở lại trường; học sinh Hà Nội đến trường sau các tỉnh khác 1 ngày (ngày 2/3); học sinh huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và TP. Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) nghỉ thêm đến 6/3. Còn trước đó, nhiều tỉnh đã cho học sinh đi học trở lại từ ngày 22/2.
Với ngành GD&ĐT, kỳ nghỉ vừa qua là kỳ nghỉ “bất đắc dĩ” thứ 2 sau kỳ nghỉ phòng chống dịch hồi tháng 4/2020. Nay được trở lại trường sau 1 tháng “dịch giã” là niềm vui với cả học sinh, thầy cô giáo và những người làm cha, làm mẹ. Có lẽ ai cũng thấy mình được “thoát khỏi" nỗi mong mỏi “bao giờ đi học trở lại” canh cánh bấy lâu.
Học sinh đi học trở lại khi dịch bệnh chưa hết hẳn hoặc sau 14 ngày địa phương không có ca nhiễm mới trong cộng đồng nên yêu cầu an toàn với dịch bệnh tiếp tục được đặt lên hàng đầu.
Công tác phòng chống dịch được thực hiện ráo riết từ vài ngày trước với việc tổng vệ sinh, phun khử khuẩn khuôn viên, phòng học; những vị trí học sinh thường tiếp xúc, dụng cụ thí nghiệm, đồ chơi… được làm sạch; vật tư y tế phòng dịch được chuẩn bị chu đáo; có trường còn chuẩn bị phòng cách ly phòng khi cần đến…
Trước khi đến trường, có địa phương yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh khai báo y tế để “phòng ngừa từ xa” nguy cơ dịch bệnh nếu có ai đó trở về từ vùng có dịch.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhiều nơi thực hiện điều chỉnh thời gian bắt đầu tiết học đầu tiên (tránh giờ cao điểm sáng), điều chỉnh thời gian tan học các khối lớp nhằm hạn chế tập trung đông người.
Với những trường tổ chức cho học sinh bán trú ăn trưa, các em được bố trí ăn thành nhiều ca để bảo đảm quy định giãn cách. Khi đến trường, tất cả phải đeo khẩu trang, vào cổng trường được đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn; học sinh được theo dõi sức khỏe trong quá trình học trên lớp…
Tất cả những biện pháp ấy đều nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn trường học trong hoàn cảnh mới và hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021.
Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT cho biết kế hoạch thời gian năm học cơ bản chưa thay đổi. Tuy nhiên, các trường, các cơ sở giáo dục cần chuẩn bị sẵn sàng kịch bản tương ứng với từng tình huống có thể xảy ra để tránh bị động, lúng túng trong công tác.
Những địa phương, cơ sở giáo dục chưa cho học sinh trở lại trường tiếp tục triển khai hình thức dạy học trực tuyến, dạy học từ xa phù hợp.
Thông điệp “Đi học an toàn” sẽ tạo giá trị mới không chỉ cho ngành GD&ĐT mà còn góp phần lan tỏa đến xã hội trong tiến trình thực hiện mục tiêu kép thời ứng phó COVID-19.
Thanh Xuân