Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Báo Điện tử Chính phủ đã có buổi phỏng vấn Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc bền vững.
Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bà có thể chia sẻ những thành tựu nổi bật mà Hội đã đạt được trong 20 năm qua và đánh giá về thực trạng bảo tồn di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay?
TS. Lê Thị Minh Lý: Như chúng ta đã biết, bảo tồn di sản văn hóa không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là một sự nghiệp to lớn, đòi hỏi sự chung tay của tất cả mọi người. Sau 20 năm hoạt động (từ năm 2004), Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trở thành cầu nối, gắn kết những người dân bình thường, tới những nhà khoa học có uy tín hàng đầu của đất nước, nhà quản lý văn hóa đã có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo tồn di sản. Chính nhờ từng mối liên kết rộng như thế, sau 20 năm, Hội đã kết nối hơn 15.000 hội viên khắp cả nước, 150 đơn vị tổ chức trực thuộc, bao gồm cả doanh nghiệp và chi hội tại cơ sở.
Đến nay Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã đóng góp được nhiều việc cho xã hội như thực hiện trưng bày bảo tàng, nghiên cứu về di sản văn hoá phi vật thể, giúp đánh giá về hiện trạng và sức sống của các di sản,…
Đặc biệt, một hoạt động quan trọng mà tôi trực tiếp chỉ đạo, đó là kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, cụ thể tại thành phố Hà Nội. Với 30 quận huyện, có đến hàng ngàn di sản cần được ghi nhận và bảo vệ. Điều này không thể được thực hiện theo phương pháp áp đặt từ trên xuống, mà phải được thực hiện với sự tham gia chủ động của cộng đồng. Người dân được Hội trang bị kiến thức để tự nhận diện, báo cáo, kiểm kê và bảo vệ những di sản văn hóa ở chính cơ sở của mình. Sau quá trình kiểm kê, Hội sẽ là đơn vị đánh giá về tính xác thực có đúng là di sản không, kiểm tra về hiện trạng sức sống, làm sao để duy trì được sức sống di sản, đồng thời phối hợp làm việc chặt chẽ với chủ thể, những người nắm giữ những di sản ấy. Đây là một dự án rất lớn, có tính chuyên môn cao, cần những người chuyên môn giỏi, rất tâm huyết thì mới làm được.
Sau khi hoàn thành kiểm kê vào năm 2016, trong vòng 3 năm, chúng ta biết được Hà Nội có 1.792 đầu mục về di sản phi vật thể, trong đó có 1.200 lễ hội ở các làng, hơn 100 nghề thủ công truyền thống và rất nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, các tập quán xã hội đang tồn tại ở trong cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đang triển khai chiến lược bảo vệ, sẽ thấy có di sản được ghi danh, có di sản mới được bảo vệ, tổ chức liên hoan ca trù, múa rối nước, các làng nghề được đẩy mạnh theo hướng công nghiệp văn hóa,…
Bên cạnh đó, Hội có cơ quan ngôn luận là Tạp chí Thế giới Di sản thông tin tuyên truyền với nội dung gần gũi, không đặt nặng tính học thuật để người dân và cộng đồng có thể dễ dàng tiếp cận; để các tỉnh, thành phố có thể giới thiệu di sản của mình thông qua Tạp chí.
Đến nay, một trong những thành tựu đáng tự hào của Hội nói riêng và cuộc cách mạng bảo tồn di sản nói chung, chính là đã thành công góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản văn hóa. Nếu là thời điểm 20 năm về trước, rất ít người hiểu "di sản" là gì. Nhưng đến ngày nay, mỗi khi nhắc tới "di sản", nó đã tạo được cảm xúc cho mọi người, nhất là cho người dân. Đây là một dấu hiệu vô cùng đáng mừng và sự thay đổi này được thể hiện rõ ràng qua sự quan tâm ngày càng lớn của người dân, đặc biệt là các bạn trẻ đối với di sản văn hóa và trách nhiệm bảo tồn di sản.
Hội đặc biệt chú trọng việc nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, lãnh đạo trong Hội đều học hỏi và phát triển trong suốt quá trình làm việc, từ việc tìm kiếm nguồn lực cho đến hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học để giải quyết những vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển một tổ chức phi chính phủ không hề dễ dàng, nhất là khi nguồn kinh phí không ổn định và công tác nghiên cứu bảo tồn cần rất nhiều thời gian và công sức.
Chúng tôi hy vọng rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ có sự quan tâm sâu sắc và cụ thể hơn nữa đối với công tác bảo tồn di sản. Bởi nếu không, chúng ta sẽ mất đi những cơ hội quý giá để bảo vệ những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Mặc dù hiện nay chúng ta đã có các nghị quyết, chính sách, nhưng vẫn còn rất nhiều công việc cần phải làm, cần phải quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khi nhìn vào các di sản của cộng đồng đang dần bị mai một.
Các di sản vật thể và phi vật thể đang đứng trước nhiều nguy cơ như đô thị hóa, biến đổi khí hậu và sự mai một văn hóa truyền thống. Theo bà, đâu là những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt trong công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay và trong bối cảnh hội nhập quốc tế?
TS. Lê Thị Minh Lý: Với di sản vật thể, điều cấp thiết là phải có những phương án và biện pháp phòng ngừa cụ thể trước các mối đe dọa từ thiên nhiên và con người, chẳng hạn vừa qua bão Yagi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều di sản. Các sự cố như hỏa hoạn, ngập lụt, thiên tai khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Cần làm gì để đối phó và giảm thiểu tác động đến di sản? Đầu tư cho các biện pháp phòng ngừa không thể chỉ nằm trên giấy, mà phải được triển khai cụ thể, thiết thực.
Tôi vừa trở về sau một chuyến công tác địa phương và không khỏi xót xa khi chứng kiến những công trình di tích đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều di tích bị thiên nhiên đe dọa, chịu cảnh mưa bão, ngập nước, nhưng lại không có đủ kinh phí để tu bổ. Dường như chúng ta vẫn chưa với tới những di sản ấy. Hiện tại, sự chú ý mới chỉ tập trung vào các di tích quốc gia đặc biệt hay các di sản thế giới, trong khi còn rất nhiều di sản cộng đồng cần được quan tâm. Đây là những di sản gắn bó trực tiếp với đời sống văn hóa của người dân ở cơ sở địa phương, rất cần thiết nhưng lại thường bị lãng quên.
Chúng ta có thể tự hào với các di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới, thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế và khách du lịch, nhưng đồng thời cũng cần phải nghĩ đến những di sản cộng đồng. Cần có cơ chế và nguồn kinh phí hỗ trợ để tu bổ và bảo vệ những di sản này, thay vì để mặc các cơ sở tự xoay sở với nguồn xã hội hoá. Thực tế là ngay cả khi cộng đồng có thể huy động nguồn xã hội hóa để tu bổ, họ vẫn gặp phải vô vàn khó khăn với các thủ tục trình báo và cơ chế phức tạp.
Với di sản phi vật thể, một thực trạng đáng lo ngại là giới trẻ ngày càng rời xa quê hương để mưu sinh tại các thành phố lớn, thậm chí là ra nước ngoài. Điều này khiến làng quê chỉ còn lại người già và những người đã nghỉ hưu, dẫn đến sự mai một dần các phong tục tập quán. Không riêng gì giới trẻ, quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa khiến nhiều người dân mải mê với cuộc sống mưu sinh, dần quên đi những giá trị truyền thống. Những hương ước làng xã, phong tục tập quán quý giá của cha ông, nếu không được nhắc nhở, khuyến khích gìn giữ, sẽ rất dễ bị lãng quên. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khơi dậy tình yêu quê hương trong các thế hệ trẻ, làm thế nào để những đứa trẻ, khi lớn lên, mong muốn quay trở về đóng góp cho quê hương, tiếp nối việc duy trì các di sản quý giá.
Nếu nhìn sang Nhật Bản hay Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy họ bảo tồn rất tốt văn hóa tại các làng quê. Hay ngay cả ở một quốc gia hiện đại như Mỹ, họ vẫn có chính sách hỗ trợ các cộng đồng dân tộc khác nhau có cơ hội thể hiện và giữ gìn văn hóa riêng của mình.
Đây là câu chuyện đòi hỏi tầm nhìn xa hơn về giáo dục di sản. Ai sẽ là người ở bên cạnh họ, giúp họ nhận ra rằng những giá trị đó là vô cùng quan trọng? Nếu không có sự đồng hành và nhấn mạnh tầm quan trọng, người dân sẽ không nhận thức đầy đủ và có thể không kịp bảo tồn những giá trị đáng quý ấy.
Mặt khác, vấn đề đầu tư cũng là một thách thức lớn. Công tác kêu gọi nguồn xã hội hóa hiện nay đang đi đúng hướng, vì rõ ràng nhà nước không thể bao cấp hết tất cả. Tuy nhiên, với những di sản đang đứng trước nguy cơ mai một nghiêm trọng, sự hỗ trợ từ nhà nước là vô cùng cấp thiết. Nhà nước cần đầu tư cho những vấn đề cấp bách, bởi di sản không thể "nuôi" chính mình nếu bản thân nó không được "sống" trước. Trước khi có thể sinh lời từ du lịch hay các hoạt động văn hóa khác, di sản cần được bảo vệ và khôi phục để tồn tại bền vững.
Bức tranh toàn diện về văn hóa chỉ thực sự hoàn chỉnh khi chúng ta có thể chăm lo được cả những di sản ở cấp cơ sở. Để tự tin hội nhập quốc tế, không thể chỉ chú trọng tới phần ngọn, mà cần bắt đầu từ gốc rễ. Những di sản văn hoá phi vật thể, từ phong tục, tập quán đến các nghi lễ truyền thống, cũng đang chịu nguy cơ mai một khi không gian gắn bó với chúng dần biến mất. Nếu những di sản vật thể hoang hóa, không còn sức sống, thì những sinh hoạt văn hóa gắn liền với không gian đó cũng khó tồn tại.
Du lịch di sản đã trở thành một trong những mũi nhọn của ngành du lịch. Chúng ta phải làm như thế nào để cân bằng giữa việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững, thưa bà?
TS. Lê Thị Minh Lý: Di sản và du lịch luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Di sản không chỉ tạo ra giá trị văn hóa mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, để bảo tồn bền vững, điều quan trọng là lợi nhuận từ du lịch phải được tái đầu tư vào chính di sản, mà hiện nay, điều này vẫn chưa được thực hiện một cách rõ ràng. Những người làm công tác quản lý ít khi nhìn thấy nguồn thu từ du lịch quay trở lại để hỗ trợ cho việc bảo tồn và phát triển di sản.
Du lịch là một ngành công nghiệp văn hóa, một lĩnh vực kinh tế dựa trên việc khai thác các giá trị di sản. Nhưng để mối quan hệ này thực sự bền vững, cần có những câu hỏi nghiêm túc về cách du lịch đang khai thác giá trị của di sản. Liệu di sản đã được giới thiệu một cách đầy đủ và sâu sắc giá trị ý nghĩa, hay chỉ dừng lại ở vai trò như một điểm check-in trong lịch trình? Du khách đã thực sự hiểu hết ý nghĩa và giá trị của di sản, hay chỉ tiếp nhận những hình ảnh bề nổi được "thổi phồng" lên? Để tạo nên sự khác biệt, các giá trị của di sản cần được truyền tải đúng cách, giống như việc kể một câu chuyện chân thực, hấp dẫn để giữ chân du khách quay lại.
Để mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch thực sự bền vững, cả hai lĩnh vực này cần đồng hành với nhau trong việc đầu tư và phát triển nội dung trải nghiệm cho du khách. Cách ngành du lịch tiếp cận và tương tác với du khách cũng cần phải có sự hoàn thiện. Khi ngành du lịch chú trọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, từ cách tiếp đón đến việc mang lại những trải nghiệm ý nghĩa, tạo nên ấn tượng sâu sắc và sự yêu mến trong lòng du khách, chỉ khi đó, di sản mới thực sự được bảo tồn một cách bền vững.
Mặt khác, di sản cũng cần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đó không chỉ là cơ sở hạ tầng phù hợp mà còn bao gồm những yếu tố nhỏ nhưng quan trọng như vệ sinh môi trường, cách đón tiếp, thông tin được cung cấp, và những câu chuyện thú vị mà du khách được nghe. Tất cả những điều đó đều đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc và có tầm nhìn dài hạn.
Chỉ khi có những đánh giá thực trạng chính xác, giải quyết các vấn đề tồn đọng và tạo dựng một hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, ngành du lịch di sản mới thực sự xứng tầm để hội nhập quốc tế. Bền vững không chỉ nằm ở việc di sản được bảo tồn mà còn ở chỗ du lịch không làm xói mòn giá trị của di sản, từ đó tạo ra một vòng tuần hoàn cân bằng, mang lại lợi ích kinh tế và giữ gìn giá trị văn hóa cho các thế hệ mai sau.
Di sản văn hóa không chỉ là tài sản quốc gia mà còn là cầu nối để quảng bá Việt Nam ra thế giới. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam có kế hoạch gì để góp phần nâng cao giá trị di sản Việt Nam trong hội nhập quốc tế, thưa bà?
TS. Lê Thị Minh Lý: Vấn đề giao lưu hội nhập quốc tế hiện chưa phải là điểm mạnh Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Do một số hạn chế về nhân lực, nguồn lực tài chính, công nghệ và ngoại ngữ. Điều này khiến việc tiếp cận và hội nhập quốc tế trở nên khó khăn hơn.
Thêm vào đó, với tính chất là một tổ chức nghề nghiệp, tính độc lập và biệt lập trong lĩnh vực hoạt động là những rào cản, khiến Hội khó nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ phía chính quyền hoặc các cơ quan quản lý văn hóa.
Mặc dù vậy, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc hội nhập quốc tế, thông qua những hoạt động giới thiệu, trưng bày và giao lưu văn hóa quốc tế. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị Di sản Văn hóa đang đảm nhận vai trò chính trong các hoạt động giao lưu quốc tế, mặc dù các hoạt động và quy mô còn khiêm tốn, nhưng vẫn thể hiện quyết tâm của Hội trong việc kết nối với bạn bè quốc tế. Với tín hiệu đáng mừng về việc người dân ngày càng tự hào và có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tôi tin rằng thời gian tới sẽ còn có nhiều sự hỗ trợ và quyết liệt hơn nữa trong công cuộc đưa Di sản Văn hoá Việt Nam ra thế giới.
Trân trọng cảm ơn bà!
Bảo Ngọc (thực hiện)