Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11.000 ca tử vong (0,1%).
Tích lũy đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu ca mắc COVID-19, có 9,9 triệu người khỏi bệnh (92%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,4%).
Chỉ tính riêng trong tháng 7, cả nước ghi nhận hơn 33.000 ca mắc COVID-19, 6 ca tử vong; số mắc mới trung bình 1.000 ca/ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, tử vong giảm 2 ca, tỉ lệ chết/mắc là 0,02% (trung bình thế giới là xấp xỉ 1,2%).
Nhận định về tình hình dịch, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trên thế giới ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, vì vậy trong thời gian tới số ca mắc với biến thể BA.4 và BA.5 được nhận định sẽ tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Trong nước, chúng ta đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, số ca mắc COVID-19 cũng đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, các dịch lưu hành khác như cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng... cũng đang gia tăng và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...
Tại hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 2/8, đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vaccine COVID-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể mới lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Việc vaccine COVID-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh trở nặng và tử vong khi mắc. Chương trình tiêm vaccine COVID-19 cũng sẽ giúp giảm thiểu quá tải hệ thống y tế, đặc biệt tại các bệnh viện và tiêm vaccine COVID-19 sẽ giúp giảm tỉ lệ truyền nhiễm bệnh trên phạm vi toàn thế giới, vì thông qua giảm nhiễm sẽ hạn chế được biến chủng mới.
Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi ở nước ta còn thấp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 (diễn ra vào ngày 3/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, số ca mắc COVID-19 trong nước tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới. Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng chỉ rõ, trong số các nguyên nhân chủ quan và khách quan, có nguyên nhân do vẫn còn một số tập thể lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa bám sát công việc, kiểm tra đôn đốc và đôi khi còn lơ là, chủ quan.
Theo Công điện số 664/CĐ-TTg ngày 25/7 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả tiêm vaccine trên địa bàn.
Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo phát động chiến dịch tiêm chủng nhằm tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022; hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vaccine cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; giao chỉ tiêu và tiến độ thực hiện đến tận cấp xã.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính tới ngày 3/8, đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, một số địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 3 còn thấp, như: Khánh Hòa (54,5%), Quảng Nam (53,4%), Cần Thơ (52,8%), Bình Thuận (50,3%), Đồng Nai (46,4%).
Các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 3 cho nhóm đối tượng này đạt trên 95%, gồm: Nghệ An (99,5%), Bắc Giang (96,6%), Bến Tre (95,4%).
Các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 từ 18 tuổi trở lên còn thấp, gồm: Hải Dương (27,9%), Quảng Trị (27,6%), Bắc Cạn (27,4%), Nghệ An (26,5%), Sơn La (25,0%).
Các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 cho nhóm đối tượng này đạt trên 90%, gồm: Điện Biên (99,3%), Bà Rịa-Vũng Tàu (98,1%), Vĩnh Long (90,5%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi, các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi nhắc thấp, gồm: Hà Tĩnh (16%), Bình Thuận (13,3%), Đà Nẵng (13%), Bà Rịa-Vũng Tàu (10,9%), Phú Yên (9,5%). Trong khi đó, các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm mũi nhắc cao, gồm: Bắc Giang (79,7%), Trà Vinh (76,8%), Vĩnh Long (67,1%).
Nhóm từ 5-11 tuổi có tỉ lệ tiêm thấp, gồm: Hà Nội (51,6%), Hà Tĩnh (47,9%), TPHCM (44,2%), Quảng Nam (40,6%), Đà Nẵng (35,5%).
Hiền Minh