Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông tin đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra ngày 4/7.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các địa phương đã quyết liệt vào cuộc chỉ đạo đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư dự án; đẩy nhanh triển khai các công việc để khởi công nhiều dự án đường bộ cao tốc. Các điạ phương chỉ đạo đẩy nhanh công tác phê duyệt, chi trả, đền bù giải phóng mặt bằng tối thiểu 70% diện tích để tiến hành khởi công dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án như: Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ hay dự án đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội; dự án Bến Thành - Suối Tiên… Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với Bộ GTVT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân bổ cát đắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho các dự án đường cao tốc. Đồng thời, cử các đoàn công tác do lãnh đạo Bộ chủ trì trực tiếp hướng dẫn các địa phương về thủ tục khai thác các mỏ vật liệu xây dựng.
Cùng sự phối hợp của địa phương và các bộ, ngành, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương để hoàn thành đưa vào khai thác kịp thời 4 tuyến cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1; phối hợp với các địa phương, tổng hợp diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT cũng đã tổ chức hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án cao tốc. Đặc biệt, đã nhanh chóng thành lập 2 tổ công tác làm việc với các tỉnh, kiểm tra tình hình cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên đi kiểm tra hiện trường các dự án đường bộ cao tốc và chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn ngay tại hiện trường, khích lệ động viên các đơn vị quyết tâm, quyết liệt triển khai ngay từ giai đoạn đầu; chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB, đấu thầu gói thầu nhà ga hàng khách CHKQT Long Thành; chỉ đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cung cấp đủ cát cho dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau; ban hành công điện về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025…”, Bộ trưởng nói.
Về kết quả đạt được, Bộ trưởng cho biết, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực giải quyết các thủ tục liên quan đến vốn, vốn vay nước ngoài, đặc biệt sau các chỉ đạo tháo gỡ của Thủ tướng Chính phủ, đã hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Tuyên Quang - Phú Thọ, Bến Lức – Long Thành, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương… hiện nay, các nhà thầu đang tích cực triển khai thi công bám sát tiến độ yêu cầu.
Đối với các dự án địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, Bộ GTVT cũng đã tích cực triển khai các công việc, đặc biệt là công tác GPMB, đủ điều kiện để khởi công các dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, Cao Lãnh - An Hữu, Tuyên Quang - Hà Giang vào cuối tháng 5 và trung tuần tháng 6.
Mới đây, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 4 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết với chiều dài 312 km trong quý II năm 2023, tạo điều kiện tăng cường kết nối liên vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển du lịch; nhân dân và doanh nghiệp thuận lợi, an toàn hơn trong tham gia giao thông và vận tải hàng hóa.
“Nhìn chung, công tác thi công, xây lắp các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông cơ bản đạt tiến độ mặc dù có dự án còn khó khăn về nguồn vật liệu, mặt bằng”, Bộ trưởng thông tin.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chia sẻ: Mặc dù các địa phương đã nỗ lực triển khai công tác GPMB, tuy nhiên GPMB vẫn là điểm nghẽn.
“Đến giờ phút này chưa địa phương nào bàn giao 100% mặt bằng của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18/NQ-CP trong khi thời hạn đưa ra là 30/6 phải có mặt bằng sạch”, Bộ trưởng nói.
Một khó khăn nữa là mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có công điện 194/CĐ-TTg ngày 1/4/2023, công điện số 573/CĐ-TTg ngày 21/6/2023 chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến vật liệu xây dựng, nhưng đến nay việc triển khai thủ tục cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án còn chậm so với kế hoạch. Hiện, nhà thầu chưa đủ vật liệu đắp để thi công, trong khi thời tiết đang thuận lợi. Ngoài ra, các chủ sở hữu khu vực mỏ, bãi đổ thải yêu cầu mức hỗ trợ cao gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai.
Trước những khó khăn nêu trên, người đứng đầu ngành giao thông đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và Bộ TN&MT hoàn thành dứt điểm việc đăng ký khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản trong năm 2023, không để kéo dài sang năm 2024.
“Đề nghị các địa phương thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ TN&MT về khai thác mỏ vật liệu, không tạo thêm các điều kiện và thủ tục gây khó khăn cho nhà thầu trong việc khai thác mỏ. Vừa qua có những địa phương mặc dù Bộ TN&MT và Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp và có hướng dẫn bằng văn bản nhưng vẫn còn băn khoăn, chưa đồng ý với sự hướng dẫn của Bộ TN&MT. Đặc biệt ở khu vực miền Tây đang rất khó khăn trong vấn đề khai thác các mỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu.
Về vấn đề GPMB, Bộ trưởng đề nghị, từ kinh nghiệm của Hà Nội, TPHCM và một số địa phương về giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 và vành đai 4, đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác GPMB theo các mốc tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết Chính phủ. Đặc biệt với dự án cao tốc Bắc - Nam cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện bảo đảm sớm hoàn thành công tác GPMB; trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để người dân có chỗ ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, tập trung di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đường điện cao thế, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Các tỉnh cần đẩy nhanh các thủ tục trong khai thác vật liệu xây dựng theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 573/CĐ-TTg ngày 21/6/2023; thực hiện đúng theo các hướng dẫn của Bộ TN&MT, không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện, thủ tục hành chính gây khó khăn cho nhà thầu.
Phan Trang