Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sau khi ngâm nga một vài câu thơ của Bác bằng tiếng Tày ông Hoàng An tâm sự với chúng tôi: “Từ khi Đảng ta tiến hành Cuộc vận động, tôi cứ trăn trở và suy nghĩ là phải làm một việc gì đó có ích mà hợp với sức của mình. Cuối cùng tôi quyết định dịch tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Bác ra tiếng Tày - Nùng. Trước đó, tôi cũng đã từng dịch Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm ra tiếng Tày và được Nhà xuất bản văn hóa dân tộc phát hành rộng rãi, được bà con dân tộc Tày –Nùng đón đọc rất nhiều, tôi tin rằng bản dịch “ Nhật ký trong tù” cũng sẽ vậy.”
Ông Hoàng An sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, trải qua 40 năm dạy học ở các vùng quê đã giúp ông tích lũy được vốn từ ngữ Tày - Nùng khá phong phú. Ông am hiểu sâu cả 3 thứ tiếng Hán, Việt và Tày - Nùng. Theo ông, tiếng Tày - Nùng rất giàu ngữ điệu, âm thanh và hình ảnh, phong phú đa dạng mà sâu thẳm như cảnh sắc thiên nhiên của núi rừng. Tiếng Tày - Nùng đã được dùng để sáng tác các tác phẩm: “9 chúa tranh ngôi”, “Báo luông - Sao cải”, “Khảm hải”, “Nàng Kim”...
Để dịch “Nhật ký trong tù”, ông đã phải tham khảo rất nhiều bản dịch quốc ngữ và nguyên bản cuốn “Ngục trung nhật ký”, sưu tầm và tra cứu nhiều từ điển Hán - Việt và Tày- Nùng. Rồi trong căn phòng nhỏ hẹp, ông giáo già 76 tuổi cứ thế miệt mài, cân nhắc từng con chữ, mỗi câu, mỗi bài sau khi dịch xong ông lại mang đến tham khảo ý kiến bạn bè và những người có kinh nghiệm để họ đọc, thẩm định và góp ý kiến, để chỗ nào đáng sửa thì sửa. Cứ như thế suốt 3 năm nay ông đã dành mọi tâm huyết cho công việc này. Đến nay bản thảo “Nhật ký trong tù” đã tương đối hoàn chỉnh, bao gồm 300 trang A4 gồm cả nguyên bản chữ Hán và thơ tiếng Tày.
Nhận xét về bản dịch này, nhà thơ Ngô Lương Ngôn cho biết, “Nhật ký trong tù” vốn ý tại ngôn ngoại, vô cùng uyên sâu. Để dịch ra chữ quốc ngữ đã rất khó sát nghĩa huống chi là ra ngôn ngữ Tày – Nùng. Nếu người dịch không có vốn ngôn ngữ dân tộc phong phú thì không thể dịch nổi. Tuy nhiên, khi đọc bản thảo của Hoàng An tôi vô cùng khâm phục vì rất sát nghĩa và làm cho người Tày Nùng đọc, nghe đều hiểu mà vẫn thấy hay.”
Mặc dù không được tài trợ nhưng hơn 3 năm ông Hoàng An vẫn miệt mài làm công việc này một cách thầm lặng với một suy nghĩ vô cùng đơn giản là: muốn đồng bào mình ai cũng được đọc thơ Bác và hiểu thơ Bác rồi làm theo Bác.
Tôi còn nhớ trong lịch sử Việt Nam có ghi rằng: thời kỳ Bác về Pắc Pó để soạn thảo Điều lệ Việt Minh rồi cho dịch ra tiếng Tày - Nùng bằng văn vần nên nhiều người có thể đọc và hiểu được mà đi theo Cách mạng. Phải chăng khi cuốn “Nhật ký trong tù” của Bác được ông Hoàng An dịch ra tiếng Tày - Nùng mà được xuất bản thì hiệu quả cũng tương tự như thế!
Việc làm của ông Hoàng An không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn là một món quà vô giá dành cho đồng bào dân tộc Tày - Nùng để có thêm tài liệu tham khảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ đó có thể học tập tấm gương đạo đức Bác một cách hiệu quả hơn./.