Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Đại học Việt-Đức đã xây dựng thành công 17 phòng thí nghiệm hiện đại cho 11 chương trình đào tạo. Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Ngày 23/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dự Lễ khai giảng năm học 2015-2016 của Đại học Việt-Đức tại Bình Dương.
Gần một thập kỷ trước, ngày 20/6/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 145/2006/QĐ-TTg về chủ trương và những định hướng lớn, với mục tiêu: "Xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam đạt trình độ đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của nước ta, có khả năng cạnh tranh quốc tế; tạo mô hình trường đại học mới có tác dụng thúc đẩy, tạo động lực, làm bài học kinh nghiệm cho đổi mới hệ thống giáo dục đại học nước nhà". Từ chủ trương đó, Đại học Việt-Đức đã ra đời với sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ hai nước Việt Nam và Đức.
Kể từ năm 2008 đến nay, sau 7 năm hoạt động, Đại học Việt-Đức đã và đang đào tạo trên 1.400 sinh viên và học viên với 4 chương trình bậc cử nhân và 7 chương trình bậc thạc sĩ. Đã có hàng trăm sinh viên, học viên cao học tốt nghiệp và đa phần tiếp tục học lên bậc cao hơn, có việc làm đúng với chuyên môn được đào tạo...
Trò chuyện với sinh viên theo học tại đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sự thành công của các em chính là thành quả có ý nghĩa nhất của Đại học Việt-Đức. Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Một nét mới mà ít trường đại học theo mô hình cũ ở Việt Nam làm được đó là tạo lập và giữ mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp. Thông qua đó nhiều sinh viên của trường được nhận học bổng, được tiếp nhận thực hành cũng như có việc làm sau khi tốt nghiệp ngay tại các doanh nghiệp.
Theo một báo cáo gần đây của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức, đại diện doanh nghiệp Đức ở Việt Nam đã đánh giá Đại học Việt-Đức là đơn vị dẫn đầu các trường đại học ở TPHCM với chất lượng đào tạo cao. Thực tế này cho thấy, Đại học Việt-Đức đã khẳng định được hướng đi đúng đắn của mình.
GS.TS. Juergen Mallon, Hiệu trưởng Đại học Việt-Đức chia sẻ: "Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng và phát triển trường như một trường đại học mô hình mới, tập trung vào nghiên cứu. Các kết quả đạt được cho thấy dự án này là khả thi. Trường đang tiến hành các nghiên cứu cơ bản và đồng thời ứng dụng nghiên cứu trong hợp tác với các doanh nghiệp để đóng góp cho sự phát triển về kinh tế và xã hội của Việt Nam và để hỗ trợ Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020".
Tại lễ khai giảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Đại học Việt-Đức đã xây dựng thành công 17 phòng thí nghiệm hiện đại cho 11 chương trình đào tạo của mình như phòng thí nghiệm robot, tự động hóa, mô phỏng tốc độ tính toán cao cho ngành tính toán kỹ thuật và mô phỏng trên máy tính…
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn và tin tưởng lãnh đạo cùng các cán bộ nhân viên, giảng viên sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xây dựng và phát triển Đại học Việt-Đức, trong đó kết hợp hài hòa những giá trị tốt đẹp nhất trong truyền thống của Việt Nam và Đức, là cầu nối hữu nghị giữa hai nền văn hóa.
Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Đại học Việt-Đức phát triển như hôm nay phải kể tới sự hỗ trợ của Đại học Quốc gia TPHCM, Tổng công ty Đầu tư công nghiệp Becamex và trường Đại học Quốc tế miền Đông đã tạo điều kiện thuận lợi để Đại học Việt-Đức có thể tổ chức đào tạo tại cơ sở hiện nay và tích cực thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng khuôn viên mới của nhà trường.
Nhắn nhủ các sinh viên đang theo học tại đây, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ: “Tôi tin tưởng với kiến thức chuyên môn, kỹ năng, vốn hiểu biết xã hội và ngoại ngữ tích lũy được trong thời gian theo học tại trường Đại học Việt-Đức, các em sẽ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, các em cũng sẽ phát huy được thế mạnh trên đây của mình. Sự thành công của các em chính là thành quả có ý nghĩa nhất của Đại học Việt-Đức”.