Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng |
Thưa Thiếu tướng, ông đánh giá như thế nào về trận Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa châu Á đã chiến thắng một nước đế quốc phương Tây trong trận quyết chiến chiến lược?
Thiếu tướng, PGS.TS. Trịnh Vương Hồng: Chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả kháng chiến cứu nước suốt 9 năm của dân tộc Việt Nam, mang ý nghĩa quyết định chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương. Chiến thắng vang dội ở Điện Biên Phủ kết tinh sức mạnh của dân tộc Việt Nam kết hợp với sức mạnh thời đại. Cuộc kháng chiến với chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã đánh đòn đột phá vào thành trì của chủ nghĩa thực dân, góp phần quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và củng cố hòa bình thế giới.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên một nước thuộc địa ở châu Á tiêu diệt và bắt sống trên 1,6 vạn lính lê dương của một nước đế quốc phương Tây trong một trận quyết chiến chiến lược. Chiến thắng đó khiến thế giới sửng sốt và khâm phục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới đang dâng cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Những bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, dù đã qua 60 năm nhưng mãi góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay.
Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chiến tranh nhân dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp?
Thiếu tướng, PGS.TS. Trịnh Vương Hồng: Trước hết, chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra. Với tầm nhìn xa và chủ động, ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ “cuộc kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân nên phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Quân và dân ta đã sớm xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi chi bộ là một tổ chức tham mưu”.
Thế trận chiến tranh nhân dân của ta đã khiến quân Pháp đông mà hóa ít, muốn tập trung lực lượng mở chiến dịch/đòn đánh lớn, lại phải phân tán lực lượng để đóng giữ, đối phó. Địch muốn chủ động, cơ động tiến công hoặc ứng cứu đồng bọn, lại bị lực lượng kháng chiến tại chỗ, bị chiến tranh du kích kìm chân. Chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những tiêu biểu về thế hiểm mà chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân tạo nên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bàn tay nắm lại thì thành quả đấm. Nếu duỗi ra thì dễ bẻ gãy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch phải chia ra làm năm, bảy mảng mà tiêu diệt, làm chúng thất bại hoàn toàn”.
Để phá âm mưu tập trung bằng được 84 tiểu đoàn trong thời gian ngắn của Tướng Navarre, hòng tạo thành lực lượng cơ động mạnh, tiến công ta, quân và dân ta đã chủ động tổ chức tiến công trên nhiều hướng chiến lược trọng yếu, như đưa quân lên giải phóng Lai Châu, buộc địch phải đổ quân xuống Điện Biên Phủ giữ Tây Bắc; cùng bộ đội Pa thét Lào tiến đánh Thà Khẹt và Hạ Lào, buộc địch phải phân tác chủ lực; tiến công Bắc Tây Nguyên buộc địch phải chia lực lượng chống đỡ Buôn Ma Thuột, Tuy Hòa, Pleiku. Cùng với đó, ở vùng sau lưng địch, đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ chiến tranh du kích hoạt động mạnh mẽ.
Hiệu quả của thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, đan cài khiến Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp vốn đã khó khăn, càng cực kỳ lúng túng, bất lực, không có lối thoát trong Đông Xuân 1953-1954.
Trước thế trận và hình thức hoạt động quân sự phong phú của quân và dân ta, trong chiến tranh nhân dân, đã khiến cho gần nửa triệu quân Pháp và ngụy quân cùng 500 máy bay các loại, gần 1.000 xe tăng, xe bọc thép và hàng trăm tàu chiến địch phải phân tán, dàn mỏng khắp chiến trường Đông Dương rộng lớn, không thể ứng cứu cho đồng bọn nguy khốn ở Điện Biên Phủ. Trong cuốn "Thời điểm của những sự thật", H. Navarre đã thú nhận: “Trên 9/10 lực lượng của chúng ta (quân Pháp) bị giam chân vào nhiệm vụ chiếm đóng, hoặc có cơ động thì cũng rất hạn chế…, chúng ta đã bị dồn đến chân tường”.
Trong chiến tranh, quân xâm lược luôn lo sợ và phải giải quyết mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng, giữa chiếm giữ đất đai và cơ động tác chiến. Thế trận và hoạt động của quân và dân ta trên khắp cả nước, cùng lực lượng bạn trên chiến trường Đông Dương đã khoét sâu mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng của địch.
Ông đánh giá thế nào về trình độ tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam trước binh lực mạnh cùng nhiều thủ đoạn chiến tranh của thực dân Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ?
Thiếu tướng, PGS.TS. Trịnh Vương Hồng: Ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung về cuộc kháng chiến, khi thực dân Pháp ngoan cố tái xâm lược Việt Nam. Người hình dung về cách đánh khi ví đây là “cuộc chiến giữa một con hổ (lực lượng kháng chiến) và một con voi (kẻ xâm lược). Ban ngày hổ sẽ lẻn vào rừng và chỉ ban đêm hổ mới mò ra, nó lao vào xé xác từng mảng lớn trên lưng voi, rồi lại lẻn vào rừng. Và cứ như thế, dần dần voi sẽ bị chết vì mất máu và kiệt sức…”.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo cuộc kháng chiến là chiến tranh nhân dân, kháng chiến lâu dài, kết hợp hai hình thức tác chiến du kích và chính quy… Những năm đầu kháng chiến, quân và dân ta đã thực hiện phương châm “du kích chiến là căn bản, vận động chiến là phụ trợ”. Với thời gian, phương châm tác chiến đã đi từ chiến tranh du kích tiến dần lên chiến tranh chính quy, từ đánh du kích tiến dần lên đánh vận động và đánh công kiên, luôn kết hợp chặt chẽ và linh hoạt các hình thức tác chiến đó.
Đến chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, trên cơ sở đường lối kháng chiến đúng đắn, ta đã xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp suốt từ Bắc, Trung Bộ và Nam Bộ. Chính hiệu quả thế trận đó đã khoét sâu vào tử huyệt của quân xâm lược-mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng. Từ đó, có thể nói ta đã “dẫn” quân Pháp đến địa bàn tác chiến thiên hiểm Điện Biên Phủ. Ta cũng giải quyết thành công và sáng tạo những vấn đề về nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.
Việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định đưa đến thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã nói rằng về nghệ thuật chiến dịch cũng như về chiến thuật: “Với Điện Biên Phủ, quân đội ta đã thực hiện một bước nhảy vọt lớn, là sự vận dụng những phương pháp chiến thuật mới, những phương pháp chiến thuật có ý nghĩa chiến dịch”. Quân ta đã xây dựng hệ thống trận địa tiến công và bao vây, chia cắt từng cứ điểm, chia cắt và phá thế phòng ngự của địch, phát huy sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng, lần lượt tiêu diệt từng cứ điểm, tiến tới tiêu diệt trung tâm chỉ huy của địch… Các hình thức này được khái quát là “vây-lấn-tấn-triệt-diệt”, là kiểu đánh “bao vây, đánh lấn”, “bóc vỏ, xẻ múi, nghiền hạt”.
Bên cạnh đó, chúng ta còn còn thực hiện phương châm chia cắt bầu trời, vô hiệu hóa đường băng các sân bay để triệt hỏa lực đường không, triệt đường tiếp tế, hậu cần của địch, buộc địch ngày càng khó khăn về hậu cần, vũ khí… Trong khi ta bảo vệ được các tuyến hậu cần, tiếp tế, bảo đảm đánh thắng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí xâm lược và mọi thủ đoạn chiến tranh của địch, cả về chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự cả về vấn đề chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Chiến thắng đã làm khủng hoảng chính trị thêm trầm trọng, mâu thuẫn giới cầm quyền về chiến tranh Đông Dương bộc lộ gay gắt dẫn đến Pháp quyết định phải thương lượng tại Hội nghị Gieneva diễn ra sau đó.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Mai Anh thực hiện