Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nguyễn Đức Phách, ngoài cùng bên trái, thăm lại Hầm Tác chiến. Ảnh: VGP/Việt Hà |
Thưa ông, nhiệm vụ của một tiêu đồ viên là gì?
Tiêu đồ viên có nhiệm vụ theo dõi đường bay của máy bay địch và máy bay ta, ghi lại thông tin tình hình về máy bay địch do rađa thu thập qua tổng hợp của tổng đài Phòng không - Không quân.
Thông tin đó về từng tốp máy bay, loại gì, bao nhiêu chiếc. Có những tốp vào gần ven biển lại quay ra, có thể muốn trinh sát hoặc thăm dò một cái gì đó. Diễn biến đó phải được theo dõi sát.
Ông làm việc dưới Hầm Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu thời gian nào?
Tôi nguyên từ Trung đoàn rađa 291 đóng tại Sân bay Gia Lâm. Đồng chí Phùng Thế Tài điều tôi về làm tiêu đồ viên từ tháng 2/1965. Năm 1967, Hầm Tác chiến được xây dựng xong, chúng tôi xuống làm việc ở đây, cho đến khi hòa bình.
Trong 12 ngày đêm với cường độ dày đặc máy bay Mỹ vào như vậy, các tiêu đồ viên làm như thế nào để kịp ghi đường bay?
Chúng tôi vẫn làm việc như ngày thường nhưng chỉ có điều phải nhanh mắt, nhanh tay và cường độ làm việc tối đa. Chúng tôi làm việc bằng tất cả tinh thần và ý chí để làm thế nào thông tin kịp thời và chuẩn xác cho Sở chỉ huy, giúp Trung ương và Bộ Quốc phòng lãnh đạo toàn quân, toàn dân đánh thắng B-52.
Tinh thần của cán bộ, chiến sỹ trong Hầm Tác chiến khi đó thế nào?
Chúng tôi chỉ trào lên lòng căm thù trước tội ác ném bom giết hại người dân vô tội nhưng phải nén lại để hoàn thành nhiệm vụ mà quân đội giao cho. Ban đêm, chúng tôi tập trung hết dưới hầm, vừa trú ẩn nhưng thực ra là trực chiến.
Những lúc lên khỏi hầm, đứng trên Lầu Công chúa, chúng tôi thấy một Hà Nội hiên ngang đánh trả những trận bom B52 dội xuống. Người dân Hà Nội những ngày đó rất bình thản, những người lại đều tham gia dân quân, tự vệ, luôn khoác súng trên vai.
Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong 12 ngày đêm ấy?
Kỷ niệm thì nhiều lắm. Nhưng kỷ niệm mà chúng tôi không thể quên là khi nghe thông báo đã bắn gục B52. Lúc đó, chúng tôi sung sướng lắm, càng thêm quyết tâm và ý chí trong công việc.
Mỗi lúc như vậy, chúng tôi thấy vui vì mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người lính.
Nhưng chúng tôi cũng không thể quên hình ảnh Bạch Mai, Khâm Thiên bị tàn phá bởi bom Mỹ, hàng nghìn người chết, có gia đình không còn ai…
Hôm nay về đây, cảm xúc của ông thế nào ?
Nhiều lần muốn về thăm lại nơi này nhưng đây là lần đầu tiên tôi trở lại nơi mình đã gắn bó suốt thời trai trẻ. Chúng tôi rất xúc động và phấn khởi. Trong không khí kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tôi tự hào vì đã góp phần cùng với quân dân cả nước đánh bại B52 của Mỹ. Đó cũng là niềm tự hào mà tôi muốn nhắn nhủ tới con cháu và các thế hệ sau này: Bất cứ giá nào cũng phải giữ được độc lập tự do, phải xây dựng được Tổ quốc ta mạnh giàu.
Việt Hà (Thực hiện)