Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trở về xã Liên Đầm trong những ngày cuối hạ, chứng kiến cảnh bà con hân hoan, phấn khởi khi con đường liên xóm vừa hoàn thành, chúng tôi, những người làm công tác "cầu nối" giữa Chính phủ với người dân thực sự cảm thấy vui khi thấy công việc mình làm hàng ngày thật có ý nghĩa.
![]() |
Mong ước từ 30 năm nay của người dân thôn 3 là sớm có 1 con đường không lầy lội - Ảnh: Chinhphu.vn |
"Chúng tôi kính mong Thủ tướng hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con thôn 3 chúng tôi. Mong ước từ 30 năm nay của chúng tôi là sớm có 1 con đường sạch sẽ để bà con không phải chứng kiến cảnh mùa nắng bụi bay mờ mắt người, mùa mưa thì lầy lội, trẻ em đi học quần xắn đến gối, từng đoàn xe cơ giới chở nông cụ sản xuất sa trong bùn lầy khi trời mưa...", đại diện cho các hộ dân thôn 3, ông Phạm Công Trung viết trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ.
Con đường nối Quốc lộ 20 với hơn 100 hộ dân xóm 4, 5, 6 hình thành từ những năm 1980 khi Nhà nước có chủ trương giãn dân ở khu tập thể người làm công cho các chủ đồn điền chè, cà phê.
Trải qua hơn 30 năm, dân cư ngày càng đông, con đường hàng năm đều được người dân góp sức tu sửa, nhưng đó vẫn chỉ là con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo, lên dốc, xuống đồi, mùa nắng bụi bay mờ mắt người, mùa mưa thì lầy lội, trẻ em đi học quần xắn đến gối, xe máy của người dân trong các xóm nhiều khi phải gửi lại những nhà ở đầu đường.
Chính vì thế việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Cuối mùa mưa, đầu mùa nắng cũng là mùa cà phê chín. Mùa thu hoạch cà phê gắn liền với hình ảnh từng đoàn xe cơ giới chở nông cụ sản xuất sa trong bùn lầy khi trời mưa, ngập trong bụi đỏ khi trời nắng, người người không nhìn thấy mặt nhau, chỉ ước làm sao thật nhanh cho hết đoạn đường.
Mong ước chung của người dân thôn 3 là có một con đường sạch sẽ để đi lại. Cùng đồng lòng, đồng sức, nhưng do kinh tế còn nhiều khó khăn, bà con thôn 3 mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để làm đường.
Và nguyện vọng của bà con thôn 3 qua Cổng TTĐT Chính phủ đã được chính quyền tỉnh Lâm Đồng "lắng nghe".
Tháng 5/2011, đường đã được khởi công
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70% vốn, UBND xã Liên Đầm đã thành lập Ban vận động xây dựng đường để vận động nhân dân đóng góp vốn đối ứng.
Ngày 9/5/2011, con đường được chính thức khởi công đào đắp làm nền đường trong sự vui mừng, phấn khởi của nhân dân thôn 3. Quá trình thi công gặp nhiều thuận lợi bởi người dân đều tự nguyện giải tỏa những công trình, cây cối để làm đường mà không yêu cầu đền bù.
Sau hơn 1 tháng thi công, con đường đã hoàn thành. Niềm mong ước của bà con nhân dân xóm 4, 5, 6, thôn 3 đã thành hiện thực.
Chia sẻ niềm vui về con đường mới, ông Huỳnh Tấn Thuần, cán bộ của UBND xã Liên Đầm, cũng là một người dân thôn 3 cho biết, trong khoảng thời gian 2 năm kể từ khi có đơn xin làm đường đến khi hoàn thành con đường, đã có nhiều người nản và từ bỏ hy vọng, nhưng bản thân ông luôn tin rằng đã có đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đề ra thì tất có giải pháp thực hiện.
Động cơ thúc đẩy những cán bộ xã như ông Thuần quyết tâm thực hiện nguyện vọng của nhân dân là dựa vào chính sách và sự hỗ trợ của nhà nước để làm thay đổi dần hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương nơi mình sinh sống suốt 30 năm qua.
Diện mạo nông thôn một xã vùng cao nguyên đã thật sự khởi sắc nhờ con đường này.
![]() |
Bộ mặt nông thôn một xã vùng cao nguyên đã thật sự khởi sắc nhờ con đường này - Ảnh: Chinhphu.vn |
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều con đường khác cũng được triển khai
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng với cách làm của thôn 3, hiện nay tại xã Liên Đầm cùng một lúc 3 con đường khác nữa cũng triển khai xây dựng theo phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”.
Có thể thấy rằng, những con đường liên thôn, liên xóm ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tuy nhỏ nhưng lợi ích xã hội mà nó mang lại không nhỏ chút nào. Bởi việc hoàn thành những con đường ấy là biểu hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương; là minh chứng về sự đồng thuận trong nhân dân, biểu hiện cuộc sống ở nông thôn mới đang từng bước hình thành vững chắc.
Là một người nhiều năm gắn bó với nông thôn, ông Thuần cho rằng, trong xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng chính là khâu đột phá, trong đó, phát triển hệ thống giao thông nông thôn vào nơi sản xuất ở cấp xã phải được đặt lên hạng mục đầu tiên, đặc biệt là ở vùng cao nguyên.
Ông Thuần cho biết, chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm giao thông nông thôn là một chủ trương đúng đắn, vừa góp phần giảm gánh nặng kinh phí cho nhà nước, vừa tăng trách nhiệm, ý thức bảo vệ, giữ gìn của người dân khi đó cũng là một phần công sức đóng góp của họ.
Còn theo ông Lê Viết Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, những năm qua giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển mạnh. Với phương châm và kế hoạch cụ thể, trong 3 năm, toàn huyện đã xây dựng được 20km đường giao thông nông thôn trong đó nhân dân đóng góp được 4,5 tỷ đồng. Điều này đã thể hiện những bước đi vững chắc để tiến tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương.
"Xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển giao thông nông thôn trong tổng thể Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Di Linh đã có đề án quy hoạch định hướng đến năm 2020. Đề án quy hoạch được thực hiện với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm giao thông nông thôn, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 40-50% tổng dự toán công trình, ngân sách huyện hỗ trợ 30-40% tổng dự toán công trình, còn lại do nhân dân đóng góp", ông Phú cho biết.
Thực tế đã luôn minh chứng rằng, để thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới, rất cần sự nỗ lực chung tay góp sức của người dân. Người dân vừa là chủ thể vừa là một nhân tố quyết định sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Thúy An