Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo báo cáo Đánh giá điện năng toàn cầu của tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember Climate, Ấn Độ vừa "qua mặt" Nhật Bản trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 3 thế giới năm 2023.
Đứng trên Ấn Độ về sản lượng điện Mặt Trời trong năm 2023 là Trung Quốc với 584 TWh và tiếp đó là Mỹ với 238 TWh.
Ấn Độ được ghi nhận đã tạo ra tổng cộng 113 TWh điện mặt trời trong năm 2023, chiếm 5,8% tổng sản lượng điện, cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng 0,5% của năm 2015. Trên toàn cầu, năng lượng mặt trời chiếm 5,5% tổng sản lượng điện.
Theo kịch bản "Phát thải ròng bằng 0" của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năng lượng mặt trời sẽ tăng lên mức 22% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2030.
Với việc sản xuất điện chiếm gần một nửa lượng khí thải carbon dioxide hàng năm của Ấn Độ (1,18 gigaton vào năm 2023), biện pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn là điều bắt buộc để quốc gia Nam Á đáp ứng được cả hai mục tiêu phát triển và khí hậu.
Là một phần trong kế hoạch quốc gia chống biến đổi khí hậu, Ấn Độ đã cam kết đạt 50% công suất lắp đặt năng lượng điện tích lũy từ các nguồn năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Theo phân tích của Ember, Ấn Độ cần tăng đáng kể công suất hàng năm để có thể đáp ứng được mục tiêu trên.
Mặc dù sản lượng điện từ năng lượng hóa thạch vẫn chiếm ưu thế lớn trong tổng sản lượng điện năng toàn cầu nhưng trong năm 2023 vừa qua, năng lượng tái tạo đã có tăng trưởng đột phá.
Có thể nói, 2023 là năm đáng báo động với thế giới khi nhiệt độ Trái đất đã nóng lên ở mức cao kỷ lục.
Trong khi các quốc gia tiêu thụ điện than hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn không ngừng xây dựng các nhà máy điện than, thì ngành năng lượng tái tạo vẫn có một thị phần vững chắc trong "chiếc bánh" sản lượng điện năng toàn cầu.
Năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời đang tăng trưởng nhanh chóng. Dấu hiệu này cho thấy, tương lai của ngành năng lượng tái tạo đã đến.
Theo Báo cáo Điện lực Toàn cầu do tổ chức tư vấn khí hậu Ember công bố vào ngày 8/5, thế giới đã tiến tới một bước ngoặt quan trọng trong ngành năng lượng sạch khi đạt sản lượng năng lượng tái tạo từ mặt trời và gió đạt hơn 30% tổng sản lượng điện toàn cầu trong năm 2023. Đây là mức kỷ lục so với những năm trước.
Theo Ember, các nguồn năng lượng tái tạo đã cung cấp 30,3% điện năng toàn cầu trong năm 2023, cao hơn so với mức 29,4% của năm 2022.
Kết quả này là do sự mở rộng nhanh chóng các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khí phát thải trong ngành điện cũng được coi là yếu tố quan trọng để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.
Trong một tuyên bố, ông Dave Jones, quan chức của Ember, nêu rõ công suất điện mặt trời gia tăng trong năm 2023 đã thực sự mở ra cơ hội, giúp thế giới đạt được mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 - vốn được hơn 100 nước nhất trí đặt ra tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra hồi năm ngoái ở Dubai.
Theo báo cáo của Ember, năng lượng mặt trời là nguồn điện tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2023. Nó đã đứng vị trí đầu trong 19 năm liên tiếp. Chỉ tính riêng trong năm 2023, điện năng lượng mặt trời đã tạo ra sản lượng gấp đôi so với với điện than.
Sản lượng điện từ than và khí đốt vẫn chiếm phần lớn trong sản lượng điện toàn cầu nhưng so về tốc độ tăng trưởng thì năng lượng tái tạo, bao gồm gió và mặt trời lại cao hơn.
Nếu sản lượng thủy điện không giảm đáng kể do hạn hán ở Trung Quốc và Ấn Độ, phải bù đắp bằng điện than thì sản lượng điện gió và mặt trời sẽ còn cao hơn, tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn.
Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về sản lượng điện mặt trời, chiếm 36% tổng sản lượng toàn cầu trong năm 2023.
Tuy nhiên, khi so sánh với hệ thống điện năng quốc gia của Trung Quốc, sản lượng điện mặt trời chỉ chiếm 6% trong tổng sản lượng điện. So với các quốc gia khác sản xuất năng lượng mặt trời, thị phần của Trung Quốc vẫn quá thấp.
Sản lượng điện mặt trời trung bình đang chiếm 10% sản lượng điện hằng năm ở 33 quốc gia. Nhưng nổi bật phải kể tới Chile với 30%, bang California, Mỹ với 28%, Australia với 17% và Hà Lan với 17% sản lượng điện năng từ mặt trời.
Trong năm nay, tính đến đầu tuần qua, giá bạc trên thị trường quốc tế tăng 13,8% trong khi đó, giá vàng chỉ tăng khoảng 12%. Nhu cầu bùng nổ từ ngành công nghiệp điện mặt trời đã thúc đẩy giá bạc. Với đặc tính dẫn điện và dẫn nhiệt cao, kim loại này là thành phần thiết yếu trong tấm pin mặt mặt trời.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) hôm 6/5, đầu tư toàn cầu vào hoạt động sản xuất pin mặt trời tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái, lên khoảng 80 tỉ USD. Con số này chiếm khoảng 40% đầu tư toàn cầu vào sản xuất công nghệ sạch.
Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi đầu tư vào sản xuất tấm pin mặt trời trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2023. Năm ngoái, công suất năng lương tái tạo toàn cầu đã tăng 50% lên gần 510 GW, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ba thập niên. Theo IEA, 3/4 tăng trưởng này đến từ điện mặt trời.
"Nhu cầu bạc trong các ứng dụng công nghiệp đang tăng vọt, được thúc đẩy bởi tấm pin mặt trời và các mục đích điện hóa khác, trong khi nguồn cung không thay đổi và đang giảm", Mitchell J. Krebs, CEO của Coeur Mining, nhà sản xuất bạc lớn thứ 9 thế giới, trụ sở tại Chicago (Mỹ) nói.
Mitchell J. Krebs kỳ vọng, công suất lắp đặt điện mặt trời tăng vọt của Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu bạc. Coeur Mining cũng đã hoàn thành việc mở rộng quy mô khai thác của một mỏ bạc ở bang Nevada, dự kiến trở thành nguồn cung bạc khai thác lớn nhất ở Mỹ.
Theo Viện nghiên cứu Bạc (Mỹ), nhu cầu bạc trong ngành công nghiệp pin mặt trời đạt 193,5 triệu ounce trong năm 2023 và dự kiến tăng thêm 20% trong năm 2024.