Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tình huống giả định là một cơn siêu bão đổ bộ vào Biển Đông với sức gió 200 km/h, gây thiệt hại nặng về người và tài sản tại Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận.
Báo cáo sơ bộ cho biết, số người thương vong do bão quá lớn, riêng Quảng Nam và Đà Nẵng có hơn 1.000 người thương vong; dịch bệnh phát sinh, nhưng các cơ sở y tế của địa phương bị tàn phá nên không đáp ứng được yêu cầu cứu chữa cho nạn nhân, nhất là những khu vực bị cô lập.
Trước tình hình đó, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã báo cáo Chính phủ và Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ. Bộ Y tế lập sở chỉ huy tiền phương, kích hoạt trung tâm điều hành (PHEOC) và huy động lực lượng y tế của các bệnh viện Trung ương, khu vực, địa phương đến hỗ trợ cứu chữa nạn nhân.
Bộ Y tế đánh giá thảm họa cấp IV, đề xuất Chính phủ kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế giải quyết hậu quả do bão tại Quảng Nam và Đà Nẵng.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa (AHA) kêu gọi sự giúp đỡ của các nước thành viên ASEAN cứu trợ nhân đạo.
10 đội y tế khẩn cấp (EMTs) cùng với thuốc, trang thiết bị y tế của 9 nước thành viên ASEAN và Nhật Bản đến Đà Nẵng, Quảng Nam cùng phối hợp với các đội y tế của Việt Nam thiết lập các cơ sở y tế lưu động, phối hợp cứu chữa những người bị nạn.
Nội dung diễn tập gồm: Thực hành tình huống các đội EMTs quốc tế đến Đà Nẵng (đăng ký, nhập cảnh, phân tích tình hình, phân công nhiệm vụ…); vận hành 3 trung tâm điều phối y tế, tiếp nhận sơ cứu các nạn nhân, đánh giá nhu cầu chăm sóc y tế tại các làng bị thiệt hại do thiên tai; các đội EMTs hoàn thành nhiệm vụ và báo cáo công việc cứu nạn, đăng ký rời khỏi quốc gia.
TS. Atchariya Pangma, Giám đốc dự án ARCH cho biết: “Chúng tôi đã áp dụng các quy trình, quá trình, mẫu báo cáo, cơ chế và công cụ điều phối giống như thật để giúp những người tham gia diễn tập hiểu cần phải làm gì khi xảy ra thảm họa. Tham gia diễn tập, các đội EMTs sẽ học được cách quản lý thông tin, làm thế nào để báo cáo nhằm bảo đảm phối hợp hiệu quả giữa các đội cấp cứu, hay cách để phối hợp giữa các cơ quan quản lý”.
Từ kết quả cuộc diễn tập, các công cụ hợp tác khu vực ASEAN (hệ thống biểu mẫu, quy trình chuẩn điều phối đội cấp cứu…) được xây dựng. Đồng thời phát hiện và giải quyết các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực ứng phó y tế trong thảm họa, đề xuất và triển khai các phương thức hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong ứng phó thảm họa quy mô lớn của từng quốc gia và khu vực trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại buổi diễn tập:
Khu vực tập kết nạn nhân bị ảnh hưởng do siêu bão đổ bộ vào Đà Nẵng |
Bộ Y tế lập sở chỉ huy tiền phương, kích hoạt trung tâm điều hành (PHEOC) |
Trung tâm điều phối tuyến tỉnh (pPHEOC) giao nhiệm vụ cho các đội EMTs |
Trung tâm điều phối tuyến tỉnh (pPHEOC) giao nhiệm vụ cho các đội EMTs |
Chuyển nạn nhân đến bệnh viện |
Tin và ảnh: Thế Phong