Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Có điện, nhiều gia đình ở T'Pé 2 không còn phải còng lưng cõng nước tưới cho cà phê, hồ tiêu - Ảnh: VGP/BìnhKhanh |
Buôn T’pé 2 nằm cách trung tâm huyện Kông Chro hơn 20km, cách thành phố Pleiku hơn 130 km về hướng Đông Nam, là nơi sinh sống của 365 hộ đồng bào Ba Na. Đây là một trong hai buôn của Chơ Glong được hưởng lợi từ dự án cấp điện cho 1.200 thôn, buôn chưa có điện tại 5 tỉnh Tây Nguyên của Chính phủ.
Khi chưa có điện, cả buôn T’pé 2 có một máy phát điện do ngành văn hóa thông tin huyện cấp, để ở nhà Rông và chỉ được sử dụng khi có những sự kiện quan trọng.
Giờ đây, không khí trong buôn rộn rã hẳn lên, mọi người đều hớn hở trong niềm vui điện về. Ông Đinh Hít, 60 tuổi, giới thiệu cho chúng tôi nào là máy thu hình, máy xay xát, nồi cơm điện, quạt điện, bàn là... rồi hồ hởi nói: “Tất cả đã đổi thay. Nhờ cái tivi mà mình biết thêm nhiều cái hay, dân làng không còn uống rượu nhiều như trước kia, chỉ lo làm ăn để có tiền mua sắm nhiều đồ dùng điện phục vụ sinh hoạt gia đình. Nhiều gia đình còn mua máy bơm điện về tưới cà phê, tiêu... nên không còn phải còng lưng cõng nước tưới cây công nghiệp như trước đây nữa. Mình rất cảm ơn Đảng, Nhà nước”.
Ông Đinh Văn Phiêu, Chủ tịch UBND xã Chơ Glong, cho biết: “Người dân buôn T’pé 2 không bao giờ quên ơn Đảng, Nhà nước và ngành điện đã quan tâm kéo điện đến tận nhà, lắp đặt công tơ đo điện và hệ thống điện trong nhà mà người dân không phải mất tiền. Người dân đã biết sử dụng điện để bơm nước tưới cây, phát triển chăn nuôi; dùng điện để xay xát; con em trong thôn có điều kiện học hành tốt hơn. Ðặc biệt, kể từ khi có điện đến nay, tình hình an ninh trật tự được ổn định”.
Có diện, nhiều gia đình ở T'pé 2 đã mua sắm được nhiều vật dụng như ti vi, tủ lạnh, quạt máy... để sử dụng - Ảnh: VGP/Bình Khanh |
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Mã, Giám đốc Điện lực Kông Chro, nói: “Để có được những thành quả như ngày hôm nay là cả một sự phấn đấu, nỗ lực hết mình của cán bộ, công nhân ngành điện nói chung và Điện lực Kông Chro nói riêng; sự phối hợp chỉ đạo sát sao, nhịp nhàng; sự hợp tác tích cực của các cấp chính quyền địa phương. Ngay từ lúc triển khai dự án, chúng tôi đã có sự chỉ đạo, phân công cụ thể công việc cho từng tổ sản xuất, luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của đơn vị cho đến khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Và thực tế, chúng tôi đã không uổng công khi góp phần rất lớn làm cho cuộc sống nơi đây từng bước thay da, đổi thịt”.
Bình Khanh