Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Đây là thông tin được nêu tại hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định tổ hợp tác do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, toàn quốc có khoảng 98.600 tổ hợp tác, trong đó có 36.104 tổ hợp tác có chứng thực (chiếm khoảng 46,1% tổng số tổ hợp tác), 2.930 tổ hợp tác đã ngừng hoạt động (chiếm 3,7% tổng số tổ hợp tác) và 191 tổ hợp tác đã chuyển sang hình thức khác (doanh nghiệp, hợp tác xã), chiếm 0,2% tổng số tổ hợp tác.
Khu vực tổ hợp tác thu hút 1.285.106 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 1.091.015 lao động, doanh thu bình quân của một tổ hợp tác năm 2016 là 229 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 35 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm; bước đầu đã khẳng định được vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của tổ hợp tác như: Giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định tình hình an ninh, chính trị trong cộng đồng dân cư,.... Các thành viên tổ hợp tác giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong sản xuất cũng như trong đời sống; trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp thông tin và tiêu thụ sản phẩm, v.v.
Dự kiến, nếu Nghị định số 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác được thay thế theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có tác động, hỗ trợ phát triển tổ hợp tác đáng kể, qua đó có tác động lan tỏa về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 1,2 triệu kinh tế hộ thành viên và đời sống của hàng triệu người thuộc hộ gia đình thành viên, từ đó góp phần làm tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành viên, của bản thân tổ hợp tác và của toàn bộ nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục đích xây dựng Nghị định là nhằm điều chỉnh quy định về tổ hợp tác cho phù hợp với những thay đổi mới trong Bộ luật dân sự 2015; khắc phục những hạn chế về khung pháp luật hiện hành đối với việc thành lập và hoạt động của tổ hợp tác
Đồng thời tạo khung pháp lý thuận lợi tối đa cho tổ hợp tác thành lập, hoạt động và phát triển, cũng như bảo đảm quyền, nghĩa vụ của tổ hợp tác, thành viên tổ hợp tác cũng như các bên thứ ba tham gia vào hợp đồng dân sự với tổ hợp tác.
Dự kiến dự thảo Nghị định sẽ tập trung điều chỉnh tổ chức, hoạt động của các nhóm, tổ hợp tác có thực hiện một hoặc một số khâu dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh do: (1) đây là nhóm, tổ hợp tác có phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh; có nhu cầu ký kết, giao dịch với bên thứ ba nên cần cơ chế điều chỉnh minh bạch và ổn định nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra cho thành viên và đối tác của tổ hợp tác; (2) tập trung nguồn lực hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước tránh dàn trải, hỗ trợ được số lượng lớn dân cư và tạo tiền đề cho việc thành lập HTX.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với hồ sơ đề nghị này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Khánh Linh