Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề này, Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương trả lời như sau:
Tiêu chuẩn kỹ thuật đấu nối thiết bị điện
Để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, đảm bảo cung cấp điện an toàn và tin cậy cho khách hàng, việc đóng điện đưa thiết bị điện vào vận hành phải đúng các yêu cầu kỹ thuật và trình tự, thủ tục quy định tại các văn bản pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật và trình tự thủ tục đấu nối thiết bị, lưới điện của khách hàng vào hệ thống điện quốc gia.
Cụ thể, điều kiện, trình tự và thủ tục đấu nối các trang thiết bị, lưới điện và nhà máy điện của khách hàng sử dụng lưới điện phân phối vào lưới điện phân phối của đơn vị phân phối điện, cũng như các quy định cụ thể về hồ sơ đề nghị đấu nối thiết bị của khách hàng vào lưới điện phân phối được quy định tại Thông tư số 32/2010/TT-BCT ngày 30/7/2010 của Bộ Công Thương.
Đồng thời, Quy phạm trang bị điện ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BCN ngày 11/7/2006 của Bộ Công nghiệp và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện ban hành kèm theo Quyết định số 54/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã quy định về thiết kế, xây lắp, vận hành và kiểm tra các trang thiết bị sản xuất, truyền tải điện và phân phối điện năng.
Thủ tục đóng thiết bị, lưới điện vào hệ thống điện quốc gia
Theo Thông tư 32/2010/TT-BCT, trình tự để đóng điện đưa thiết bị điện vào vận hành như sau:
- Khách hàng lập hồ sơ đề nghị đấu nối theo quy định tại Điều 45 của Thông tư và cung cấp hồ sơ thiết kế cho Công ty Điện lực để Công ty thỏa hiệp trước khi thi công.
- Công ty Điện lực kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ, đánh giá ảnh hưởng của việc đấu nối đối với lưới điện phân phối, hướng dẫn khách hàng bổ sung hồ sơ hoặc thực hiện bổ sung quy hoạch theo quy định.
- Công ty Điện lực lập dự thảo Thỏa thuận đấu nối và gửi cho khách hàng đề nghị đấu nối.
- Công ty Điện lực và khách hàng thực hiện đàm phán và ký Thỏa thuận đấu nối công trình vào lưới điện Quốc gia.
- Khách hàng tổ chức thi công công trình.
- Khách hàng thông báo cho Công ty Điện lực để tổ chức nghiệm thu đóng điện công trình.
Chi tiết mẫu biểu hồ sơ đề nghị đấu nối, trình tự thủ tục thỏa thuận đấu nối và thực hiện đấu nối được quy định tại các Điều 45 đến Điều 56 của Thông tư.
Trường hợp công trình điện chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực
Trường hợp khách hàng mua máy biến áp (MBA) đã qua sử dụng, đã được bảo trì sửa chữa, do một công ty có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh bán lại như ông Minh phản ánh, để đóng điện đưa máy biến áp vào vận hành, khách hàng phải thực hiện theo các trình tự, thủ tục như trên. Ngoài ra, khách hàng cần lưu ý một số nội dung sau:
Trường hợp công trình điện chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực (hoặc đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực nhưng công suất được duyệt chưa phù hợp với thực tế), các Công ty Điện lực hướng dẫn khách hàng trực tiếp liên hệ với Sở Công Thương để tiến hành các thủ tục hiệu chỉnh, bổ sung quy hoạch (các Công ty Điện lực chuyển khoản cho Khách hàng Giấy thỏa thuận phương án cấp điện đã có chữ ký thỏa thuận phương án cấp điện đã có chữ ký thỏa thuận giữa Chủ công trình và Lãnh đạo Công ty Điện lực để khách hàng có cơ sở báo cáo Sở Công Thương).
Các thiết bị khách hàng phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quy phạm trang bị điện, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện và được thực hiện nghiệm thu, đóng điện theo các thủ tục quy định từ Điều 49 đến Điều 56 của Thông tư 32/2010/TT-BCT.
Tùy theo quy mô công suất MBA, quy mô trạm biến áp, cấp điện áp đấu nối, loại phụ tải,... khách hàng cần liên hệ trực tiếp với Công ty Điện lực để được hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công thương đã có thông tin trả lời công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ.
Ban Bạn đọc