Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Theo Thông tư, trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải được đặt tại địa điểm thuận tiện giao thông, nơi thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu khi tai nạn xảy ra. Còn điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ có thể đặt tại nhà dân, tại nơi thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện nhanh chóng các hoạt động sơ cấp cứu.
Trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất như: Có địa điểm cố định, có phòng sơ cấp cứu (tối thiểu là 10m2 đối với trạm, 6m2 đối với điểm); có biển báo, biểu tượng, cờ chữ thập đỏ; có số điện thoại liên lạc thường xuyên…
Bên cạnh đó, trạm, điểm sơ cấp cứu cũng phải có các trang thiết bị sơ cấp cứu như: Bộ nẹp cố định gãy xương; bông băng, băng ga rô, cồn sát trùng, gạc; túi cứu thương; cáng cứu thương…
Tình nguyện viên cấp I là tình nguyện viên đã được tập huấn các kỹ thuật sơ cấp cứu theo quy định như: Kỹ thuật di chuyển nạn nhân khẩn cấp; sơ cứu dị vật, tắc đường thở; ngừng thở; ngừng tim; chảy máu-sốc… Tình nguyện viên cấp II là tình nguyện viên cấp I được tập huấn thêm các kỹ thuật sơ cấp cứu theo quy định như: Sơ cứu tổn thương cột sống, trường hợp nghi chấn thương sọ não; tổn thương vùng bụng, vùng ngực… |
Đặc biệt, về nhân lực, theo Thông tư, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải có tối thiếu 2 tình nguyện viên cấp I làm việc tại điểm và trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải có tối thiểu 3 tình nguyện viên cấp II làm việc tại trạm, trong đó có 1 tình nguyện viên chuyên trách làm việc toàn thời gian tại trạm.
Để được cấp giấy phép hoạt động, trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ gửi 1 bộ hồ sơ đến phòng y tế. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, phòng y tế phải thành lập tổ thẩm định để tổ chức thẩm định và có biên bản thẩm định gửi Sở Y tế theo mẫu quy định. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, phòng y tế có văn bản hướng dẫn trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ hoàn thiện hồ sơ.
Tổ thẩm định do trưởng phòng y tế làm tổ trưởng, các thành viên bao gồm: Đại diện lãnh đạo bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện và trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi đặt trạm, điểm sơ cấp cứu.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định của phòng y tế, Giám đốc Sở Y tế phải cấp giấy phép hoạt động cho trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ theo mẫu quy định, trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Tuệ Văn