Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Cụ thể, người dự thi lấy Chứng chỉ kế toán viên phải có đủ các điều kiện sau đây: Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Kiểm toán; có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên tính từ tháng tốt nghiệp ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đến thời điểm đăng ký dự thi; nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và phí dự thi theo quy định.
Người dự thi lấy Chứng chỉ kiểm toán viên phải có đủ các điều kiện sau đây: Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán. Dự thảo nêu rõ, trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán thì phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau: Tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7% trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên; có văn bằng, chứng chỉ do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp bảo đảm quy định.
Đồng thời, người dự thi lấy Chứng chỉ kiểm toán viên phải có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng từ 36 tháng trở lên tính từ tháng tốt nghiệp ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đến thời điểm đăng ký dự thi; nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và phí dự thi theo quy định.
Theo dự thảo, người dự thi sát hạch lấy chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên phải có đủ các điều kiện sau đây: Có Chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên nước ngoài của các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận; hoặc có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không phải là tổ chức nghề nghiệp) của nước ngoài cấp thì người dự thi phải là hội viên chính thức của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán và tổ chức nghề nghiệp đó phải là thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC); nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và phí dự thi theo quy định.
Nội dung, thể thức thi
Theo dự thảo, người dự thi lấy Chứng chỉ kế toán viên phải thi 4 môn thi sau: 1- Pháp luật về kinh tế và Luật Doanh nghiệp; 2- Tài chính và quản lý tài chính nâng cao; 3- Thuế và quản lý thuế nâng cao; 4- Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao.
Người dự thi lấy Chứng chỉ kiểm toán viên phải thi 7 môn thi sau: 1- Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp; 2- Tài chính và quản lý tài chính nâng cao; 3- Thuế và quản lý thuế nâng cao; 4- Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao; 5- Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao; 6- Phân tích hoạt động tài chính nâng cao; 7- Ngoại ngữ trình độ C của 1 trong 5 ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức.
Người có Chứng chỉ kế toán viên dự thi lấy Chứng chỉ kiểm toán viên phải thi 3 môn thi sau: 1- Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao; 2- Phân tích hoạt động tài chính nâng cao; 3- Ngoại ngữ trình độ C của 1 trong 5 ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức.
Người dự thi sát hạch lấy Chứng chỉ kiểm toán viên phải thi 5 phần thi sau: 1- Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp; 2- Tài chính và quản lý tài chính; 3- Thuế và quản lý thuế; 4- Kế toán tài chính, kế toán quản trị; 5- Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm.
Theo dự thảo, đối với mỗi môn thi (trừ môn thi Ngoại ngữ), người dự thi phải làm một bài thi viết trong thời gian 180 phút. Riêng đối với môn thi ngoại ngữ, người dự thi phải làm một bài thi viết trong thời gian 120 phút. Thi sát hạch theo hình thức trắc nghiệm, mỗi phần thi gồm 20 câu hỏi. Thời gian thi đối với bài thi sát hạch 5 phần là 180 phút; 4 phần là 145 phút; 3 phần là 110 phút.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn