Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cách đây chừng hai chục năm, khi nghe các chương trình trên đài phát thanh hay ti-vi, chúng ta thường nghe các phát thanh viên mở đầu bằng các câu, ví dụ: “Các bạn thân mến!”, “Chào các bạn!”, “Thưa các bạn!”,… Người nghe thấy quen và gần như không ai để ý, cũng như không ai thấy những lời chào mở đầu chương trình như vậy là… có vấn đề phải bàn.
Thế rồi vào... một sớm mai, khi các nhà đài “điều chỉnh” cách xưng hô này bằng cách mở rộng các tổ hợp trên, theo đó, nhất loạt thêm từ “quý vị” vào để thành “Thưa quý vị và các bạn”, “Xin kính chào quý vị và các bạn” (thậm chí rút gọn thành “Thưa quý vị!”) thì khá nhiều người (trong đó có các nhà Việt ngữ học) không đồng tình với cách thay đổi như thế.
Luận cứ phản bác họ đưa ra là: 1. Dùng từ “các bạn” vừa đơn giản, vừa thích hợp; “các bạn” ở đây là chỉ chung cử tọa, người nghe hay người xem - đối tượng đang hướng về một chương trình nào đó; 2. Thêm từ “quý vị” tự nhiên lại tạo ra sự phân biệt, tách một nhóm người nghe riêng ra, như vậy là không bình đẳng, vì đã là người nghe thì tất cả đều như nhau. Bất kì ai có nhu cầu nghe nội dung mà mình đang quan tâm đều trở thành “bạn”. Hãy chỉ gọi là “các bạn” để tạo sự hòa đồng. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp cần nói, ví dụ “bạn có biết”, “bạn cần biết”, “có thể bạn chưa biết” mà lại thêm từ “quý vị” vào (thành “quý vị và các bạn có biết”) thì hoá rườm rà, vừa không cần thiết vừa nghe… ngồ ngộ.
Tôi còn nhớ trong một cuộc tọa đàm tại Viện Ngôn ngữ học, một giáo sư đã thẳng thừng phản đối cách thay đổi này. Còn bản thân tôi lúc đó cũng nghiêng về hướng ủng hộ quan điểm biện luận của ông. Tôi “hăng” tới mức đã dành một dung lượng khá lớn trong đề tài nghiên cứu “Một số vấn đề ngôn ngữ trên sóng phát thanh tiếng Việt hiện nay” để bày tỏ thái độ của mình (tất nhiên là tôi đề nghị không cần thêm từ “quý vị” vào tổ hợp lời chào này).
Nhưng thời gian lại là bài học quan trọng và cần thiết đối với việc xem xét và xử lí với nhiều vấn đề của khoa học nhân văn, trong đó có ngôn ngữ học.
Xưng hô và việc thiết lập các vai xưng hô sao cho thích hợp là một yêu cầu tối thiểu đối với mọi cuộc giao tiếp. Hệ thống từ xưng hô đa dạng và có phần “rắc rối” của tiếng Việt chính là cơ sở để người nói lựa chọn nhằm sử dụng một “vai” phù hợp trong một bối cảnh giao tiếp nào đó.
Với một diễn giả, một phát thanh viên… thì việc chọn từ xưng hô có lẽ không khó lắm. Bằng chứng là từ rất lâu rồi người ta vẫn dùng từ “các bạn” để gọi người đang hướng về mình (nghe hoặc đọc). Nhưng, có một vấn đề đặt ra là, trong các bối cảnh trang trọng, người nghe lại không thuần nhất (về độ tuổi, về chức vụ, về trình độ…) mà dùng từ “các bạn” nghe… không thuận tai. Bởi từ “bạn”, vốn dùng để chỉ “người quen biết, có quan hệ gần gũi, thân thiện, thường được coi là ngang hàng”. Chính vì thế, người ta thấy cần thêm một “vai” nữa trong đối tượng người nghe và từ “quý vị” (một từ Hán Việt, dùng để “tôn gọi một hoặc nhiều người một cách trang trọng”) được thêm vào. Vì nếu chỉ dùng từ “các bạn” không thôi, người nói dễ bị đánh giá là thiếu tế nhị, đánh đồng đối tượng thành “cá mè một lứa” mà quên mất là còn có những nhóm đối tượng khác ta phải tôn trọng, ít nhất là qua cung cách xưng hô (lựa lời mà nói).
Thế là từ đó, tổ hợp “Thưa quý vị và các bạn” trở nên đắc dụng và được hầu hết các nhà đài sử dụng.
Khi nói (trên ti-vi, trên đài phát thanh), họ thường điều chỉnh cho phù hợp tùy theo bối cảnh. Chẳng hạn: “Thưa quý vị và bà con” (nếu là chương trình dành cho nông dân), “Thưa quý vị và các đồng chí” (chương trình dành cho quân đội, công nhân, đoàn thanh niên…), “Thưa quý vị và chị em” (chương trình dành cho phụ nữ), v.v... Tuy nhiên, tổ hợp “Thưa quý vị và các bạn” vẫn đang được sử dụng nhiều và thông dụng nhất.
Ngôn ngữ phản ánh cuộc sống. Chính nhu cầu giao tiếp mang tính văn hoá mà cuộc sống đòi hỏi đã giúp cho ngôn ngữ “điều chỉnh” ngôn từ và hành vi của mình sao cho thích hợp.
PGS.TS Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)