Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bệnh nhân uống thuốc Methadone tại Trung tâm tế huyện Từ Liêm - Ảnh: Chinhphu.vn |
Anh N.V.T (Xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh nghiện heroin từ năm 2002, ngày nào cũng bỏ bê gia đình để đi theo đám bạn nghiện. Từ hút anh phải chuyển sang chích mới đáp ứng được cơn “thèm” heroin.
Tháng 3/2006, anh được đưa đi cai nghiện tại Trung tâm tư vấn, cai nghiện ma túy Hải Phòng. Sau 2 năm, anh T trở về với cộng đồng, nhưng ngựa quen đường cũ, anh tái nghiện.
Đến đầu năm 2009, trước sự động viên của cán bộ xã và gia đình, anh được giới thiệu đến Trung tâm Y tế, huyện Từ Liêm. Anh cho biết, “sau 3 tháng đầu điều trị bằng Methadone, anh không còn sử dụng heroin nữa, hiện nay sức khỏe rất tốt, hàng ngày có thể đỡ đần vợ làm mọi việc trong nhà”.
Anh cho biết thêm, “ở xã anh trước kia, khi đoàn cán bộ đến vận động các gia đình có người nghiện, mọi người còn e dè, ngại ngùng lắm. Bây giờ thấy anh khỏe mạnh, nhiều người nộp đơn tự nguyện xin được chữa trị”.
Những kết quả khả quan
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS -Trung tâm Y tế huyện Từ Liêm cho biết, từ tháng 11/2009, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị Methadone cho 285 bệnh nhân trên tổng số 335 bộ hồ sơ đăng ký.
Trong đó tỷ lệ xét nghiệm dương tính với heroin sau 6 tháng tham gia điều trị là 9,5%, có 11 trường hợp xin ngừng điều trị và 2 trường hợp bệnh nhân chuyển sang điều trị tại cơ sở khác.
Theo Tư vấn viên Cao Hồng Trâm, Trung tâm đã tổ chức được gần 3.000 buổi tư vấn cá nhân và tư vấn nhóm nhằm hỗ trợ tâm lý toàn diện cho bệnh nhân và gia đình. Chị cho biết, đa phần bệnh nhân sau khi tham gia điều trị có những thay đổi tích cực về thể chất lẫn tinh thần, mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội cũng được cải thiện rất nhiều.
Bác sỹ Trang cho biết thêm, Chương trình điều trị Methadone tại huyện Từ Liêm bước đầu thu đươc những kết quả khả quan. Nhưng là một chương trình mới nên còn gặp nhiều khó khăn như khi bệnh nhân nằm viện phải tạm dừng uống thuốc, cơ chế xét chọn khiến nhiều bệnh nhân còn e ngại đăng ký tham gia, thiếu các dịch vụ hỗ trợ tâm lý xã hội và đặc biệt là vấn đề chuẩn bị nguồn kinh phí hoạt động trong thời gian tới.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang kiến nghị, để duy trì tính bền vững của chương trình cần tập trung xây dựng chính sách phù hợp, bên cạnh đó cần chú trọng nâng cao năng lực, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, bác sỹ làm công tác điều trị Methadone, mở rộng các dịch vụ hỗ trợ tâm lý xã hội, tăng cường kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và địa phương, đồng thời từng bước đưa điều trị Methadone ra xã hội.
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai thí điểm từ năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, sau đó là Hà Nội. Cho đến nay đã có 9 tỉnh, thành phố triển khai trên 30 điểm với gần 5.000 bệnh nhân tham gia.
Phan Hoàng