Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TS.Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: VGP/Thu Giang
Hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI): Cơ hội và thách thức đối với nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo đang trở thành một trong những đột phá công nghệ chủ đạo của thời đại và tác động mạnh mẽ tới mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội.
Đối với khoa học xã hội và nhân văn, trí tuệ nhân tạo đang mở ra những định hướng nghiên cứu mới, cung cấp phương pháp nghiên cứu và công cụ nghiên cứu mới. Từ phân tích dữ liệu xã hội ở quy mô lớn, trích xuất và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cho đến mô hình hóa hành vi và dự báo xu hướng xã hội, trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản cách thức, phương thức tiếp cận, lý giải và phản ánh các hiện tượng xã hội.
Những ứng dụng đã ngày càng trở nên quen thuộc trong đời sống như trợ lý ảo, hệ thống gợi ý thông minh từ AI có thể trở thành những công cụ hỗ trợ hữu hiệu đối với các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, cùng với tiềm năng lớn, việc ứng dụng AI cũng đặt ra không ít thách thức cho lĩnh vực khoa học xã hội.
TS. Phan Chí Hiếu chỉ ra những rào cản cụ thể như: Vấn đề khai thác, sử dụng dữ liệu lớn (AI chỉ hoạt động hiệu quả khi có dữ liệu lớn được chuẩn hóa, cấu trúc tốt trong khi khoa học xã hội và nhân văn thường sử dụng dữ liệu định tính khó số hóa, chuẩn hóa); tiềm ẩn nguy cơ sai lệch do thuật toán và dữ liệu huấn luyện; vấn đề đạo đức và quyền riêng tư trong xử lý dữ liệu xã hội; vấn đề liêm chính học thuật, quyền sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu, công bố kết quả khoa học qua các ứng dụng từ AI; vấn đề về bảo đảm tính phản biện, kiểm chứng và trách nhiệm khoa học trong các nghiên cứu có sử dụng AI…
Trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học - Ảnh: VGP/Thu Giang
Theo PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, dẫn chứng các xu hướng như "humanities analytics" hay "cultural analytics" đang sử dụng học máy, phân tích mạng lưới và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để mở rộng biên giới phương pháp nghiên cứu. Công nghệ tạo sinh như GPT-4 đã hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong việc mô phỏng chính sách, phân tích dữ liệu, thiết kế kịch bản dự báo. Tuy nhiên, cũng đặt ra thách thức về tính minh bạch, khả năng giải thích và tái lập kết quả.
Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển AI. Nhật Bản nổi bật với các thế hệ robot thông minh và ứng dụng AI vào mọi lĩnh vực từ sản xuất, y tế đến chăm sóc người cao tuổi. Những kinh nghiệm quốc tế là cơ sở quý báu để Việt Nam tham khảo trong hoạch định chính sách AI, đặc biệt cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội.
Một trong những điểm nhấn được nhiều đại biểu nhấn mạnh là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, Việt Nam hướng tới xây dựng hạ tầng công nghệ số tiên tiến và từng bước làm chủ một số công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây... Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu quy mô kinh tế số của Việt Nam đến năm 2030 đạt tối thiểu 30% GDP và đạt tối thiểu 50% GDP vào năm 2045.
Với trên 78 triệu người dùng Internet, dân số trẻ và am hiểu công nghệ, Việt Nam có nền tảng tốt để ứng dụng AI vào KHXH&NV. Tuy nhiên, những khó khăn như hạ tầng dữ liệu chưa đồng bộ, thiếu cơ chế chia sẻ dữ liệu mở, đội ngũ nghiên cứu chưa quen với các phương pháp nghiên cứu tích hợp công nghệ… vẫn là rào cản lớn.
Hội thảo là sự kiện ý nghĩa hưởng ứng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) - Ảnh: VGP/Thu Giang
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng AI với tâm thế tích cực và các chiến lược rõ ràng. Ông dẫn chứng Quyết định 127/QĐ-TTg và hướng dẫn của Bộ KH&CN về AI có trách nhiệm là hai văn kiện quan trọng thể hiện quyết tâm phát triển AI trên nền tảng giá trị Việt Nam.
Theo ông, để KHXH&NV đóng vai trò chủ động trong hành trình này, cần tăng cường thực thi chính sách, có cơ chế giám sát việc thực hiện Quyết định 127/QĐ-TTg, xác định rõ vai trò của các viện, trường trong đánh giá tác động xã hội và đạo đức AI; đầu tư nguồn lực, hỗ trợ các dự án liên ngành giữa KHXH&NV với công nghệ, kỹ thuật; hoàn thiện khung pháp lý; thúc đẩy dữ liệu mở, khuyến khích khu vực công chia sẻ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, gắn với bảo vệ quyền riêng tư; thúc đẩy hợp tác liên ngành; xây dựng hướng dẫn đạo đức cấp cơ sở...
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, việc tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu liên ngành, tăng cường năng lực cho đội ngũ nghiên cứu KHXH&NV, đổi mới chương trình đào tạo để tích hợp kiến thức và kỹ năng về AI, xây dựng các bộ dữ liệu và công cụ AI tiếng Việt chất lượng cao, và thúc đẩy đối thoại công khai về AI là những bước đi cần thiết.
Để Việt Nam có thể khai thác hiệu quả tiềm năng của AI đồng thời quản lý tốt các rủi ro, cần có sự chung tay và nỗ lực đồng bộ từ các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng học thuật và các bên liên quan trong xã hội. Cuộc cách mạng AI là một hành trình đầy hứa hẹn nhưng cũng không ít chông gai.
Với sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm, các nhà KHXH&NV Việt Nam hoàn toàn có thể đóng góp vào việc định hình một tương lai AI không chỉ thông minh về công nghệ mà còn giàu tính nhân văn, phục vụ sự phát triển thịnh vượng và bền vững của quốc gia. Đây không chỉ là một thách thức mà còn là một sứ mệnh lịch sử của KHXH&NV Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Thu Giang