Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng. Ảnh: VGP/Thu Lê |
Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự nỗ lực trong công tác quản lý thuế, quản lý các giao dịch liên kết của Chính phủ Việt Nam, nhiều chính sách mới đã được ban hành và có những tác động tích cực nhất định đến hoạt động đầu tư của nhiều DN tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về số vốn đăng ký, vốn giải ngân. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua các đóng góp xã hội, nộp ngân sách Nhà nước, tạo giá trị gia tăng. FDI cũng là tiền đề quan trọng giúp Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, việc thu hút FDI còn nhiều hạn chế như chủ yếu gia công, tỉ lệ nội địa hoá thấp, chưa tạo liên kết với doanh nghiệp trong nước.
“Từ việc nhìn nhận các điểm còn hạn chế, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng chính sách thu hút FDI mới nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư có chọn lọc, có công nghệ cao hơn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam. Ảnh:VGP/Thu Lê |
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam nhận định: “Trong tiến trình hội nhập quốc tế, việc thay đổi chính sách thuế và hệ thống các ưu đãi đầu tư là một trong những điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài tốt nhất. Chính phủ Việt Nam vẫn đang tiếp tục thay đổi nhiều thể chế, chính sách theo hướng tích cực và minh bạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong khu vực”.
Theo đánh giá của Deloitte, các chính sách ưu đãi thuế TNDN của Việt Nam khá thuận lợi cho các DN với mặt bằng thuế suất khá thấp so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi thuế đang nghiêng theo hướng ưu đãi địa bàn hơn là theo lĩnh vực. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý.
Trên thực tế, thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư kéo dài hơn rất nhiều so với quy định, đặc biệt tại khâu xin giấy phép (thời gian có thể kéo dài đến 2-3 tháng); chưa có sự đồng nhất, phối hợp giữa các cơ quan, dẫn đến chồng chéo trong thủ tục.
Bên cạnh đó, nhiều DN nước ngoài đang gặp khó trong việc tiếp cận các thông tin giới thiệu đầu tư, hướng dẫn các thủ tục về đăng ký dự án và thành lập DN tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, những chính sách thuế trong thời gian qua đã cơ bản thực hiện được mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nguồn lực trong nước; góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để khắc phục những nhược điểm còn tồn đọng, trong giai đoạn từ nay đến 2020, việc xây dựng các chính sách ưu đãi cần được xem xét trong bối cảnh phát triển kinh tế tổng thể của cả nước. Cụ thể, việc ban hành chính sách mới (ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư...) cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, cam kết mà Việt Nam đã thực hiện với các tổ chức quốc tế; bảo đảm mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các DN nội.
Đồng thời, quy định về ưu đãi thuế nên được tập trung hơn, khắc phục tính dàn trải, phức tạp của các chính sách thuế hiện hành và tăng tính minh bạch, đồng bộ tránh chồng chéo.
Đối với các chính sách về ưu đãi thuế, ông Bùi Ngọc Tuấn cho rằng cần đơn giản và minh bạch hóa thủ tục xin xác nhận bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin. Bổ sung chính sách ưu đãi đối với một số ngành dịch vụ như giáo dục, tài chính… Đồng thời, học tập các quốc gia khác xây dựng cơ chế ưu đãi linh hoạt và đa dạng hơn: Kết hợp nhiều hình thức miễn/giảm, khấu trừ chi phí…
Nhận định lộ trình đơn giản hóa thủ tục đầu tư đang đi đúng hướng, ông Tuấn cho rằng cần tiếp tục lộ trình này bằng việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, xây dựng các kênh thông tin tiếp cận nhà đầu tư…
Còn theo ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ưu đãi đầu tư không phải là điều kiện quan trọng nhất khi nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Thực tế, đã có nhiều chính sách ưu đãi thuế cao đối với các dự án đầu tư vào địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, song các địa bàn này vẫn khó thu hút đầu tư, hoặc các chính sách ưu đãi riêng cho một số lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản nhưng vốn đổ vào các lĩnh vực này còn khiêm tốn.
“Chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam còn khá phức tạp do phạm vi ưu đãi còn dàn trải (bao gồm cả ưu đãi theo lĩnh vực và ưu đãi theo địa bàn), nên chưa thật sự hấp dẫn đối với Nhà đầu tư nước ngoài”, ông Văn nhận định.
Vì vậy, để thu hút đầu tư, ngoài các chính sách ưu đãi cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời; chính sách ổn định, chính quyền vào cuộc để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN… “đây là những yếu tố quan trọng mà khi tìm kiếm cơ hội các nhà đầu tư hết sức quan tâm”, ông Văn nói.
Thu Lê