Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đình thờ Lão tướng Phạm Tu đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo |
Phạm Tu – khai quốc công thần triều Tiền Lý
Theo thần tích, Phạm Tu người làng Thanh Liệt, nơi sinh ra Phạm Tu xưa kia là một xóm bãi vải tiến vua nằm bên sông Tô Lịch, thuộc thôn Văn Trì, làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm trấn Sơn Nam, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Phạm Tu sinh ngày 10 tháng 3 năm Bính Thìn (năm 476), thân phụ là Phạm Thiều, thân mẫu là Lý Thị Trạch. Khi lớn lên, Phạm Tu phương phi, tuấn tú, học giỏi, tư chất thông minh, hay đọc sách nhất là binh thư yếu lược. Người có vóc dáng rất khỏe và trở thành đô vật nổi tiếng trong vùng, thường được gọi là Phạm Đô Tu.
Cuối năm Tân Dậu (tháng Giêng năm 542), Giám quân châu Cửu Đức là Lý Bôn (hay còn gọi là Lý Bí) dấy binh khởi nghĩa, chống lại quân đô hộ nhà Lương và viên thứ sử cai trị nước ta bấy giờ là Tiêu Tư nổi tiếng tàn ác. Cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn được nhân dân và anh hào khắp nơi ủng hộ nô nức kéo về giúp sức. Ở Đan Phượng (Hà Tây) có hào trưởng Triệu Túc, ở Sấu Giá, Hoài Đức (Hà Tây) có Lý Phục Man. Lại có cả Tinh Thiều nguyên là quan cai trị của Nhà Lương, bỏ quan chức chạy về với quân khởi nghĩa. Trong số những vị anh hùng tham gia cùng Lý Bôn khởi nghĩa phải kể đến võ tướng Phạm Tu.
Năm ấy, Phạm Tu đã 67 tuổi, song tuổi tác không ngăn được lòng yêu nước đánh đuổi ngoại xâm. Ông tham gia nhiều chiến trận và trở thành một danh tướng trụ cột của cuộc khởi nghĩa. Mùa hè năm 543, Ông chỉ huy nghĩa quân đánh tan quân giặc ở Cửu Đức (Hà Tĩnh ngày nay). Năm 544, khi Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Lý Nam Đế, đã phong Phạm Tu làm Tả tướng quân, đứng đầu Ban Võ (tương đương Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh quân đội ngày nay). Sau đó, ông vẫn trực tiếp tham gia đánh giặc và hy sinh anh dũng trong trận đánh bảo vệ thành Thăng Long (cửa sông Tô Lịch - sau chợ Đồng Xuân, TP Hà Nội ngày nay); giúp vua Lý Nam Đế cùng quần thần và nghĩa quân rút lên vùng trung du bảo toàn lực lượng, xây dựng căn cứ, kháng chiến lâu dài tới 60 năm tiếp theo, lập lên nước Vạn Xuân (545 - 602), Nhà nước có tổ chức đầu tiên ở nước ta. Đến các đời sau như: Đinh, Lê, Lý, Trần, rồi Hậu Lê, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và Nguyễn đều có sắc phong Phạm Tu là Thượng Đẳng Thần: Đô Hồ Đại Thần hay Đô Hồ Đại Vương.
Tháng 10 năm 1996, cuộc họp mặt toàn quốc lần thứ Nhất của các dòng họ Phạm đã thành lập Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam tại chùa Quán Sứ. Ngay từ khi thành lập Ban Liên lạc đã suy tôn danh tướng Phạm Tu là Thượng thủy tổ của các dòng họ Phạm Việt Nam vì Người là vị họ Phạm xuất hiện đầu tiên trong chính sử và có nhiều công lao cho đất nước. Và từ đó đến nay, hàng năm, bà con họ Phạm ở nhiều địa phương trong cả nước thường về dự giỗ Tổ Phạm Tu tại đền thờ của Người ở làng Thanh Liệt.
Chung tay bảo tồn di sản văn hóa có ý nghĩa lịch sử
Đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu được xây dựng vào năm 1690 với kiến trúc độc đáo, nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian. Nhằm bảo tồn, tôn tạo một di sản văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng, ngày 3/3/2009, UBND TP Hà Nội đã quyết định phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, với nguồn kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Sau gần 2 năm tích cực triển khai dự án, đến ngày 19/12/2011, huyện Thanh Trì đã khánh thành đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu trên quần thể 6.900m2 (trước đó khu di tích có diện tích 2.878m2). Theo đánh giá của các chuyên gia, công trình vẫn giữ được nhiều yếu tố gốc. Tòa đại đình được mở rộng lên 320m2 để đáp ứng nhu cầu chiêm bái của nhân dân, nhưng vẫn giữ nguyên hướng và trục thần đạo, vị trí tượng thần, sử dụng các vật liệu truyền thống với ngói mũi hài, đá xanh lát bậc, gạch bát lát nền, kết cấu khung gỗ theo kiến trúc thời Lê... Các công trình khác trong quần thể khu di tích như Nhà Thọ, nhà Khách và Nhà Tạo soạn, Nhà bia và Nhà Khánh, ban thờ Thần Nông và giếng cổ, Nghi môn, hồ bán nguyệt... được cải tạo, tu bổ và đảm bảo các yếu tố kiến trúc, văn hóa truyền thống vốn có của di tích.
Đặc biệt, trong quá trình khởi công trình tu bổ đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, Ban quản lý dự án đã nhận được sự chung tay, góp công góp sức của đông đảo nhân dân địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc. Ông Nguyễn Duy Hòa, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết: Ngay sau khi khởi công tu bổ, đã có hàng chục tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hưởng ứng. Đơn cử như Công ty cổ phần SX- KD XNK Bình Minh (Bitexco) ủng hộ 500 triệu đồng; ông Hoàng Trọng Hùng, ở phòng 908, nhà CT3 (Khu đô thị Bắc Linh Đàm) ủng hộ 2 tỉ đồng; dòng họ Phạm Việt Nam cũng cung tiến toàn bộ Hoành phi câu đối bằng gỗ quý… điều đó chứng tỏ sự quan tâm, lòng thành kính của nhân dân với danh tướng Phạm Tu.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, việc khánh thành đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu đã thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa. Đồng thời đóng góp vào hệ thống các di tích của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến một công trình mang ý nghĩa to lớn. Bởi đây không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương, mà còn là nơi giáo dục, bồi đắp truyền thống thượng võ, tinh thần yêu nước của dân tộc cho thế hệ mai sau.
Đăng Quang