Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ý kiến của cử tri TP. Hồ Chí Minh, đối với nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp phép phải tiến hành thẩm tra nơi đặt cơ sở trước khi cấp, nhằm tăng cường quản lý đối với các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có hành vi né tránh đóng phạt bằng cách thay đổi địa điểm, người đại diện pháp luật hoặc xin cấp giấy phép mới với tư cách pháp nhân mới nhằm tránh bị xử lý tăng nặng khi tái phạm.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời cử tri TP. Hồ Chí Minh như sau:
Sự chuyển đổi cơ chế quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời đến nay đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, trong đó, nổi bật là việc thực hiện đăng ký kinh doanh theo cơ chế doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của môi trường kinh doanh, gần đây, có tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, nghề “nhạy cảm” khi bị phát hiện vi phạm pháp luật đã đăng ký thay đổi địa chỉ, tên doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật hoặc đăng ký thành lập pháp nhân mới với mục đích né tránh thực hiện quyết định xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo quy định tại Điều 35, Điều 36 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính, tên doanh nghiệp không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Việc thay đổi người đại diện theo pháp luật cũng sẽ không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp do đây là quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, không phải của cá nhân người đại diện theo pháp luật. Như vậy, đăng ký thay đổi địa chỉ, tên doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật sẽ không giúp doanh nghiệp né tránh việc thực hiện các chế tài xử phạt khi vi phạm pháp luật.
Đối với trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập pháp nhân mới nhằm né tránh thực hiện chế tài xử phạt hoặc tránh bị xử phạt tăng nặng khi tái phạm, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP cũng như Luật Doanh nghiệp 2014 chưa có quy định cụ thể về nội dung này.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2014, vấn đề này sẽ được nghiên cứu, cân nhắc để có những quy định và chế tài xử lý phù hợp đối với các pháp nhân, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, trong thời gian tới, công tác hậu kiểm cũng sẽ được tăng cường nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với các đối tượng này.
Chinhphu.vn