Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Nhiều ý kiến lo ngại với việc tăng thuế xuất khẩu sắn lát từ 20/6 |
Theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế xuất khẩu mì lát, nguyên liệu chủ yếu để sản xuất cồn ethanol, là nhằm hỗ trợ, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất cồn ethanol trong nước.
Vẫn theo cơ quan điều hành, sau khi lấy ý kiến về việc điều chỉnh thuế suất từ các bộ ban ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng, hầu hết đã đồng thuận với chủ trương tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này.
Tuy nhiên, sau khi chính sách được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã đồng loạt gửi công văn kiến nghị và báo chí cũng phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện áp dụng chính sách thuế xuất khẩu sắn lát 5%.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện giá thu mua sắn lát khô khoảng 4,3 triệu đồng/tấn, giá xuất khẩu trung bình trong 2 năm 2013 và 2014 là 227,5 USD/tấn, tương đương 4,86 triệu đồng/tấn. Với mức thuế 0% như hiện nay, các DN xuất khẩu sắn lát lãi 567.570 đồng/tấn, nếu tăng thuế xuất khẩu từ 0% lên 5%, DN sẽ lãi khoảng 324.192 đồng/tấn.
Thế nhưng nhiều DN chuyên thu mua và XK sắn lát cho rằng, Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế XK mì lát 5% mà DN vẫn có lãi là thiếu thực tế.
Trong đơn kiến nghị về việc không áp thuế XK đối với mặt hàng sắn lát gửi các bộ ngành Trung ương, ông Trần Vĩnh Long, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Long (tại TP Quy Nhơn) cho rằng Bộ chưa tính phần hao hụt của mặt hàng này (từ 5-7%) và chi phí các DN phải bỏ ra, như tiền thuê kho bãi, trả lãi suất ngân hàng, tiền mua thuốc khử trùng, kiểm dịch, xếp dỡ, vận chuyển... khoảng 557 ngàn đồng/tấn.
Tăng giá bán sản phẩm là điều không thể, bởi đối tác (chủ yếu là các DN Trung Quốc) không đồng ý, nếu không bán sản phẩm cho họ thì họ sẽ mua sản phẩm của các nước khác trong khu vực. Vì vậy, các DN chuyên thu mua và XK sắn lát trong nước nói chung, trong tỉnh nói riêng sẽ khó có thể cạnh tranh được với các DN kinh doanh sản phẩm cùng loại trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty TMHH TM Thành Tâm (tại TP Quy Nhơn), cho biết: Mức thuế XK sắn lát tăng lên 5%, tương đương với 250 đồng/kg, cộng với chi phí đầu vào trên 500 ngàn đồng/tấn, chắc chắn hoạt động SXKD của DN sẽ bị thua lỗ.
Mặt khác, các đơn vị xuất khẩu khoai cho hay Bộ Tài chính ra văn bản đột ngột, thời gian từ lúc ban hành đến khi thực hiện chỉ hơn một tháng khiến họ không kịp trở tay để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh có thể dẫn đến thua lỗ.
Bởi vụ sắn bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau nên đa số doanh nghiệp đã mua trữ trong kho chờ xuất khẩu. Với giá hợp đồng đã ký từ trước với khách hàng, việc chịu thuế 5% sẽ khiến nhiều DN thua lỗ.
Theo Sở Công Thương Bình Định, việc Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế suất XK sắn lát nhằm hạn chế XK sản phẩm thô, tăng giá trị sản xuất nội địa là cần thiết. Tuy nhiện, việc áp dụng mức thuế 5% đối với mặt hàng nói trên trong tháng 6/2015 là quá đột ngột khi vụ mì cũ vẫn chưa kết thúc, các DN vẫn còn một lượng sản phẩm tồn kho lớn.
Ông Nguyễn Văn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương Bình Định) cũng cho rằng hoạt động sản xuất của nông dân ít nhiều cũng bị tác động, bởi các DN sẽ tìm cách hạn chế chi phí đầu vào, trong đó có việc giảm giá thu mua sản phẩm của nông dân.
Nhiều địa phương đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lùi thời gian áp dụng mức thuế suất thuế XK 5% đối với mặt hàng sắn lát từ vụ mì 2015-2016 (dự kiến bắt đầu từ thời điểm thu hoạch mì vào khoảng tháng 10/2015), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN giải quyết khó khăn, nhất là đối với lượng hàng đang còn tồn kho.
Nhận được các thông tin trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành và Hiệp hội liên quan làm việc cụ thể tại một số địa phương để đánh giá cụ thể và rà soát lại thuế suất thuế xuất khẩu đối với sắn lát để có điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết.
Thành Đạt