Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo TS. Mạc Quốc Anh, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới 3 nước châu Âu và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN – EU sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới giữa Việt Nam và các nước châu Âu.
Theo TS. Mạc Quốc Anh, nói về quan hệ Việt Nam – EU, không thể không nói đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ 1/5/2021. Các FTA này đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản Việt Nam sang châu Âu, nhất là các nhóm nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: Cà phê, điều, rau quả, thủy sản…
Ông Mạc Quốc Anh cũng nêu rõ Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) vừa công bố tháng 5/2022 cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã tăng trở lại ở mức cao nhất kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát vào tháng 4/2021. Trong đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng Hiệp định EVFTA có tác động rất tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ.
Báo cáo cũng chỉ ra 72% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã có hiểu biết cụ thể về cam kết cũng như tác động của EVFTA và gần một nửa tin rằng Hiệp định có liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Quan trọng hơn, EVFTA cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư của cả hai bên và giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Là một FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu và rộng nhưng đồng thời vẫn đảm bảo sự cân bằng lợi ích cho cả hai bên, EVFTA được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU.
Tại hội thảo "Xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản Việt Nam sang thị trường châu Âu do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 25/11 vừa qua, các chuyên gia đánh giá châu Âu là thị trường xuất khẩu nông sản lớn và hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Thời gian qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực châu Âu đã có nhiều khởi sắc, với một số nhóm mặt hàng như gạo, rau củ quả… ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng và bứt phá.
Nhờ có Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, cả về chất và lượng, với cả xuất, nhập khẩu đều đạt kết quả tích cực.
"EU đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD (lũy kế đến tháng 8/2022). Tính riêng 8/2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 14 dự án cấp mới. Điều này chứng minh Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ châu Âu. Chúng ta có một cơ hội rất lớn để phát triển hợp tác với các nước EU trong xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư từ các các nước EU", TS. Mạc Quốc Anh nói.
Bối cảnh Việt Nam và EU thực thi EVFTA cùng với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức trong thu hút FDI từ EU.
Trong đó, về cơ hội, là một FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng FTA tiếp theo vào Việt Nam và cũng giúp nâng cao chất lượng các dự án FDI. Điều này phù hợp với định hướng của Viêt Nam trong Nghị quyết 50-NQ/TW của Chính phủ về thu hút FDI chất lượng cao.
Trong khi đó, Hiệp định EVIPA được ký kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên, nhất là về kinh tế - thương mại, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng thu hút FDI từ các quốc gia EU.
Việc thực thi EVFTA và EVIPA có ý nghĩa quan trọng đối với dòng FDI của EU vào Việt Nam, bởi EU hiện đang là đối tác kinh tế lớn và tiềm năng của Việt Nam. EVFTA là FTA thế hệ mới với các cam kết vượt ra ngoài việc xoá bỏ thuế quan, EVFTA được kỳ vọng mang đến cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút FDI chất lượng cao thông qua cải cách thể chế, chính sách và môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, việc thực thi EVFTA và EVIPA cũng mang lại cho Việt Nam nhiều thách thức trong việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp EU, nhất là trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế EU có nhiều biến động như hiện nay.
Theo TS. Mạc Quốc Anh, các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ và thành phố Hà Nội sau đại COVID-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng; giảm lãi suất cho vay; cho vay mới; giảm tiền thuê đất, tiền điện…
Việc xúc tiến đầu tư thông mại thông qua các hoạt động ngoại giao đẩy mạnh hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước của lãnh đạo Chính phủ như chuyến thăm châu Âu hiện nay của Thủ tướng Phạm Minh Chính là những hành động cụ thể tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, thành phố Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI và là "tổ ấm" của các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế.
"Chúng tôi hy vọng chuyến thăm của Thủ tướng tới 3 nước châu Âu sẽ góp phần thúc đẩy sự quan tâm hơn nữa của các nhà đầu tư châu Âu tới Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời giải quyết được những vấn đề còn là rào cản để doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan trong EVFTA", TS. Mạc Quốc Anh nói.
Chuyến đi được nhiều doanh nghiệp mong đợi
Theo Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Vũ Văn Tuyên, chuyến đi Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị ASEAN-EU và thăm chính thức 3 nước châu Âu gồm Luxembourg, Hà Lan, Bỉ được kỳ vọng thu hút khách du lịch từ châu Âu cũng thu hút đầu tư cho du lịch xanh và du lịch cộng đồng đến từ châu Âu.
Theo ông Vũ Văn Tuyên, đây là một chuyến đi đặc biệt quan trọng của Thủ tướng Chính phủ. Bởi lẽ, Việt Nam là một mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và tăng trưởng nền kinh tế gần như cao nhất khu vực ASEAN và đặc biệt, các nhà đầu tư châu Âu nhận định Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng.
Chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ lần này được nhiều doanh nghiệp mong đợi, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, doanh nghiệp mong muốn Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đưa hình ảnh một Việt Nam phồn thực, triển vọng và phát triển bền vững đối với các nhà đầu tư, đồng thời có thể mở ra cơ hội hợp tác, như việc các hãng hàng không sẽ nối lại đường bay quốc tế đến Việt Nam để đưa khách châu Âu đến Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn. Qua đó làm gia tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam để chúng ta lấy lại đà phát triển trước dịch COVID-19.
Nhận định tiềm năng hợp tác phát triển du lịch giữa EU và thị trường khách du lịch ASEAN thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết trong 11 tháng đầu năm 2022, rõ ràng thị phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã đạt được con số trên 2,3 triệu khách. Đây là một tín hiệu vô cùng tốt và tích cực dù chưa đáp ứng được con số 5 triệu khách du lịch quốc tế như kỳ vọng của ngành du lịch đã đề ra. Tuy nhiên, trong 2,3 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, chỉ có 323.000 khách châu Âu, con số này còn khiêm tốn so với gần 1,8 triệu khách du lịch châu Á...
Theo ông Vũ Văn Tuyên, Việt Nam là một mảnh đất "màu mỡ" và an toàn, đặc biệt Chính phủ đã có chiến lược lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhằm tạo động lực cho phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn được các nước trong khu vực châu Á, châu Âu và ASEAN đánh giá cao về tín nhiệm cũng như về hình ảnh phát triển du lịch bền vững. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp đến Việt Nam đầu tư vào du lịch từ nhân sự, cơ sở hạ tầng, các khu nghỉ dưỡng cao cấp… sẽ tạo chuỗi phát triển du lịch tăng trưởng mạnh.
Trong phiên họp Báo cáo "Kế hoạch tổng thể phục hồi Du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026" vừa qua, phái đoàn EU tại Việt Nam đã nhận định hợp tác Việt Nam-EU về du lịch trong thời gian vừa qua đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, nhất là các kết quả của Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, các dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển Bộ Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam…, đã đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam theo định hướng xanh, bền vững, gắn với Chương trình Nghị sự 2030 của LHQ về phát triển bền vững.
Tiếp tục phát huy hợp tác song phương Việt Nam-EU về du lịch trong thời gian sắp tới, để hỗ trợ du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì đà hồi phục, vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, phái đoàn EU tại Việt Nam đã chủ động thành lập nhóm chuyên gia quốc tế nghiên cứu chuyên sâu, trao đổi với các đối tác, xây dựng Báo cáo "Kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026". Trong đó, đề xuất chính sách đối với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực liên quan đến ngành du lịch như: Thị thực, truyền thông, tài chính, quảng bá xúc tiến du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác công-tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số.
Ông Vũ Văn Tuyên cho biết thời gian vừa qua, việc phát triển du lịch cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo. Do đó, các doanh nghiệp du lịch và địa phương rất kỳ vọng các dự án của châu Âu sẽ hỗ trợ cho Việt Nam nhiều hơn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nhất là mảng du lịch nông nghiệp và lâm nghiệp. Đây là một trong những thị phần có thể tạo kế sinh nhai cho người dân bản địa, tăng mức lưu trú của khách du lịch đến 63 tỉnh thành phố được trải rộng hơn.
"Chúng tôi mong rằng sang năm 2023, sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sẽ có nhiều dự án của các nhà đầu tư châu Âu hỗ trợ cho việc phát triển du lịch cộng đồng được tăng trưởng mạnh hơn, bền vững hơn", ông Vũ Văn Tuyên kỳ vọng.
Minh Anh