Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Nhiều doanh nghiệp da giầy phải khai báo hóa chất hàng nghìn lần mỗi năm. |
Các văn bản này phải được sửa đổi theo hướng tăng cường việc khai báo và xác nhận khai báo hoá chất nhập khẩu bằng phương thức điện tử; sửa đổi danh mục hóa chất phải khai báo; bổ sung các trường hợp miễn trừ khai báo.
Theo một khảo sát của Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, riêng một đơn vị thuộc Cục Hóa chất chỉ trong một năm đã cấp tới hơn 50 nghìn giấy xác nhận hóa chất nhập khẩu. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục khai báo hóa chất chừng ấy lần trong năm.
Đại diện Phòng Xuất nhập khẩu của một Tập đoàn sản xuất giày lớn cho biết, để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong toàn hệ thống, trung bình mỗi tuần tập đoàn này phải nhập khẩu khoảng hơn 50 lô hóa chất. Nhưng theo thủ tục hiện nay, cứ khi nào muốn nhập một lô hóa chất, doanh nghiệp lại phải khai báo một lần riêng lẻ.
Như vậy, doanh nghiệp phải khai báo khoảng 50 lần mỗi tuần, trên 200 lần/tháng và hơn 2.000 lần/năm. Trong khi với mỗi giấy xác nhận của Cục Hóa chất, doanh nghiệp phải mất ít nhất 2 ngày chờ đợi.
Hồ sơ xin nhập khẩu hóa chất cũng rất phức tạp, gồm 13 loại giấy tờ. Cụ thể là đơn đề nghị cấp giấy phép, bản sao hợp lệ giấy phép kinh doanh, bản sao hợp lệ đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường, bản giải trình nhu cầu kinh doanh hóa chất, bản kê khai hệ thống nhà xưởng và sơ đồ kho, bản kê khai trang thiết bị lao động phòng hộ, bản kê khai vận chuyển chuyên dùng, phiếu an toàn hóa chất… Chưa hết, doanh nghiệp còn phải có cả bản khai nhân sự cán bộ, bản sao bằng đại học hợp lệ, các chứng chỉ và có cả giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe do cấp quận cấp.
Ông Nguyễn Giang Tiến (Công ty Cổ phần vận tải và thuê tàu Vietfracht) bình luận: “Đọc danh mục khai báo hóa chất và hồ sơ giấy phép xin nhập khẩu hóa chất xong cũng đủ chóng mặt ngất rồi. Có quá nhiều loại hóa chất, cái gì thuộc hóa chất đều có trong danh mục phải khai báo và mỗi loại là một thủ tục”.
Mặt hàng thuộc diện phải khai báo cũng quá nhiều do thiếu vắng các quy định cụ thể. Chẳng hạn, theo quy định các mặt hàng có 32% NaOH trở lên phải xin phép. Theo các doanh nghiệp, nếu loại hóa chất này nằm riêng thì phải xin phép là hợp lý, nhưng nhiều mặt hàng có chứa hóa chất này đã qua kiểm tra trước đó rồi vẫn phải xin phép là không hợp lý.
Theo khảo sát của GIG, tình trạng này rất phổ biến với những sản phẩm hoàn chỉnh trong đó có thành phần hóa chất, chẳng hạn sơn, nước rửa kính, dung dịch tẩy rửa, chất thử, mực in…
Khảo sát của GIG cũng cho thấy đến nay hầu hết các doanh nghiệp đầu khai hồ sơ bằng giấy, nộp hồ sơ và nhận giấy xác nhận trực tiếp, mặc dù Nghị định 108 yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng hệ thống quản lý tiếp nhận thông tin khai báo qua mạng điện tử trước năm 2011.
Thời gian Cục Hóa chất hoàn thành việc cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất là 7 ngày làm việc với các trường hợp hồ sơ giấy và 3 ngày làm việc với trường hợp khai qua internet. Với nội dung đơn giản là xác nhận doanh nghiệp đã khai báo thì thời gian như vậy là quá dài, nhóm chuyên gia của GIG đánh giá.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định trên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thông quan hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như gây áp lực đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chưa hết, Thông tư 40 còn có những dấu hiệu trái luật khi quy định về chế độ báo cáo hàng năm. Điều 52 Luật Hóa chất quy định các doanh nghiệp chỉ phải báo cáo hàng năm về các hóa chất thuộc danh mục cấm, nhưng Thông tư 40 lại yêu cầu doanh nghiệp phải khai báo tất cả hóa chất nhập khẩu nếu áp dụng hình thức khai báo qua hồ sơ giấy. Với quy định này, trên thực tế là tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp phải làm báo cáo hàng năm.
Việc Nghị quyết số 19 yêu cầu sửa đổi các quy định về khai báo hóa chất được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để những vướng mắc đang khiến các doanh nghiệp mệt mỏi nói trên, từ đó góp phần kéo giảm thời gian thông quan theo mục tiêu của Chính phủ.
Thanh Hằng