Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, "Chuyển đổi xanh" đang là xu hướng tất yếu toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong nỗ lực theo đuổi xu thế này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal) từ đầu năm 2020.
Thỏa thuận Xanh là gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế. Việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh trên hoặc với thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này.
"Là thị trường lớn, EU luôn nằm trong top đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Do đó, việc theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thoả thuận Xanh EU là yêu cầu cấp bách đối với doanh sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để duy trì và phát triển bền vững ở thị trường EU nói riêng và những thị trường cũng đang có những hành động chuyển đổi xanh theo hướng tương tự," ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh cho hay: "Theo khảo sát nhanh của VCCI vào tháng 8/2023, có tới 88 - 93% các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác nhau chưa từng biết tới hoặc chỉ nghe nói sơ qua về Thoả thuận Xanh và các chính sách, quy định cụ thể mà EU đã thực hiện đến thời điểm này. Trong khi đó, không ít các chính sách xanh của EU có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã được ban hành, hoặc đang dự thảo và sẽ được thông qua trong thời gian tới".
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, theo rà soát của VCCI, EU đã ban hành gần 60 hành động để thực thi Thỏa thuận Xanh. Theo đó, những quy định của EU sẽ có tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trên ba góc độ chính.
Trước hết là làm gia tăng tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Thứ hai là làm gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của một số nhà sản xuất liên quan đến những sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất khi nhập khẩu vào EU. Thứ ba, làm tăng trách nhiệm giải trình về nguồn gốc sản phẩm cũng như các yêu cầu liên quan đến tác động môi trường của quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.
Do các quy định này của EU rất đa dạng, không có một lộ trình chung, do đó, điều quan trọng hiện nay là doanh nghiệp cần phải tìm hiểu và nắm rõ những quy định, chính sách đang và sẽ tác động tới ngành hàng, sản phẩm mà doanh nghiệp mình sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU để có sự chuẩn bị, chuyển đổi phù hợp.
Với phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hạn chế cả về vốn, công nghệ và năng lực quản trị, lại đang trong giai đoạn kinh doanh đầy biến động như hiện tại, việc ứng phó với các thách thức từ Thỏa thuận Xanh là nhiệm vụ rất khó khăn.
Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị từ sớm, việc đáp ứng các yêu cầu xanh của EU trên thực tế vẫn có thể là khả thi với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU. Kể cả khi có hiệu lực, các chính sách này đều có lộ trình triển khai từng bước, với các yêu cầu khó chỉ phải thực thi đầy đủ sau một khoảng thời gian dài. Mặt khác, không phải mọi tiêu chuẩn xanh đều yêu cầu chi phí tuân thủ cao mà có thể là yêu cầu thay đổi trong cách thức hành động (ví dụ các yêu cầu về khai báo phát thải, về thông tin đối với sản phẩm…).
Từ góc độ thị trường, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác cũng đang thúc đẩy các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu tương tự EU (như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…).
Từ góc độ hiệu quả, chuyển đổi xanh mặc dù có thể yêu cầu đầu tư ban đầu cao nhưng lại có thể là nhân tố giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong dài hạn. Không những thế, trên bình diện vĩ mô, việc từng doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nội địa nền kinh tế, từ đó đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển bền vững của chính Việt Nam.
Các cơ quan quản lý Nhà nước có thể tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai tiêu chuẩn xanh của EU. VCCI hy vọng các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ làm việc, trao đổi và tham vấn các cơ quan có thẩm quyền của phía EU để tìm được những giải pháp thuận lợi và hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng với những yêu cầu của EU.
Anh Minh