Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 11/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại tỉnh Trà Vinh về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu (theo Quyết định số 435 ngày 22/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết: Tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định, phát triển hơn so với cùng kỳ. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I đạt 3,18% (cùng kỳ tăng trưởng âm 5,65%).
Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định. Các DN không bị thiếu hụt lao động nên không ảnh hướng đến việc sản xuất.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm ước đạt 35,53% so kế hoạch, tăng 43,41% so với cùng kỳ năm 2022.
Tình hình đầu tư công, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 4.714 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết hết 100% kế hoạch vốn ngay từ đầu năm. Giải ngân đến ngày 4/5 là 932,885 tỷ đồng, đạt 19,8% kế hoạch. Trong đó, kế hoạch vốn Thủ tướng giao đầu năm giải ngân 891,503/4.463,233 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch (riêng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giải ngân 65,568/366 tỷ đồng, đạt 17,9% kế hoạch.
Tình hình xây dựng hạ tầng, tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 10.822 tỷ đồng, đạt 33,82% kế hoạch và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc của tỉnh, như thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai; ghi nhận tài sản hình thành trên mặt biển cho các dự án nhà máy điện gió; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thường xuyên phát sinh khiếu nại chủ yếu về giá đất; công tác thu hồi tạm ứng gặp khó khăn. Về nguyên vật liệu, nhiều DN gia công sản phẩm bị thiếu nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất, nhất là nguyên vật liệu nhập khẩu.
Tỉnh Trà vinh kiến nghị cấp thẩm quyền hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp phải thu hồi tạm ứng nhưng DN đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chủ DN đã mất, hoặc không còn định cư ở Việt Nam dẫn đến không thu hồi được.
Kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo huy động phát điện trở lại đối với các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Duyên Hải gồm: Nhà máy Duyên Hải 2, Nhà máy Duyên Hải 3, Nhà máy Duyên Hải 3-mở rộng để đóng góp vào tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước xem xét, có chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, có gói tín dụng để ưu tiên cho các DN sản xuất khẩu; có chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất... cho các DN sản xuất và xuất khẩu.
Bộ Xây dựng, Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc về đối tượng là người lao động tự do có hộ khẩu thường trú tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nhưng đang làm việc tự do tại khu vực đô thị trong tỉnh Trà Vinh được vay ưu đãi mua nhà ở xã hội.
Tại buổi làm việc, ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị đoàn công tác có đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, kiến nghị của tỉnh. Đặc biệt là vấn đề về hạ tầng giao thông để tỉnh phát triển kinh tế xã hội. Quan tâm phát triển đầu tư, kêu gọi đầu tư Khu kinh tế Định An; quan tâm phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời vì tiềm năng còn rất lớn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, các kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác ghi nhận, sẽ có báo cáo, trao đổi với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng lưu ý, tỉnh Trà Vinh quan tâm hạ tầng văn hoá, giáo dục, xã hội. Đảm bảo cân đối hài hòa giữa hạ tầng kinh tế, giao thông với hạ tầng văn hoá, xã hội. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; quan tâm, khai thác tốt các chương trình mục tiêu quốc gia để kiên cố hoá trường lớp…
Vấn đề chung của ĐBSCL là ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển trong tương lai tỉnh cần có cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững.
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ, ráo riết các chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là các chỉ đạo từ đầu năm 2023 đến nay nhằm hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… Theo dõi, phân tích sát biến động tình hình thế giới tác động tới địa phương, trên cơ sở dự báo chung cả nước sẽ có dự báo riêng cho tỉnh.
Trong khó khăn chung, có thuận lợi, thách thức, cần tận dụng cơ hội của địa phương để đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Nhật Nam