Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Linh mục Phạm Văn Thượng cho biết, trong những tháng ngày chống dịch vừa qua, nhà thờ Giáo xứ Châu Nhai (Giáo phận Thái Bình) luôn đặc biệt quan tâm nhắc nhở, vận động các tín hữu chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch. Ảnh: VGP |
Đại dịch COVID-19, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở nước ta với những diễn biến phức tạp, khó lường, có tốc độ lây lan mạnh hơn, nguy hiểm hơn đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực to lớn, sự vào cuộc của các cấp ủy chính quyền, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, đến nay, công tác phòng chống dịch ở nước cơ bản được kiểm soát. Các giải pháp phòng chống dịch thời gian qua rất linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với những diễn biến của tình hình dịch bệnh trong từng giai đoạn để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta không phân biệt thành phần, tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí chống dịch và cũng chính trong khó khăn, hoạn nạn, ngày càng có nhiều tấm gương, tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp, thấm đượm tình đồng chí, nghĩa đồng bào xuất hiện, trong đó có các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo đã sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh; đồng bào các tôn giáo ở trong và ngoài nước cũng đóng góp to lớn cả vật chất và nhân lực để chung tay với cộng đồng vượt qua đại dịch. Đây là minh chứng rất sinh động về truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc; “sống tốt đời đẹp đạo” của các tôn giáo trên mọi miền của Tổ quốc, trong đó có Công giáo.
Các nhà thờ Công giáo ở mọi miền Tổ quốc hòa chung với dòng chảy, nhịp thở và cuộc sống ứng phó với dịch bệnh của cả dân tộc để bảo đảm an toàn sức khỏe, duy trì ổn định cuộc sống người dân.
Trong nhịp sống ấy, nhà thờ Giáo xứ Châu Nhai (Giáo phận Thái Bình) cùng các giáo dân đã luôn nỗ lực, đồng hành, ủng hộ của các cấp chính quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh nhằm bảo đảm an toàn cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tôn giáo…
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Linh mục quản xứ Châu Nhai, Giáo phận Thái Bình Vincent Phạm Văn Thượng cho biết, ngay khi có công văn của chính quyền về diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại tỉnh Thái Bình, Tòa Giám mục Thái Bình đã có thông báo và chỉ dẫn, hướng dẫn cụ thể về các sinh hoạt phụng vụ tại các giáo xứ trong địa bàn tỉnh Thái Bình. Các nhà thờ luôn đề cao trách nhiệm, nhắc nhở và hướng dẫn giáo dân những việc cần thực hiện khi phải giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của ngành y tế và các cơ quan chức năng. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội, các nhà thờ cử hành thánh lễ trên tinh thần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch; các gia đình giáo dân cầu nguyện tại gia đình, hoặc tham dự thánh lễ trực tuyến cầu nguyện cho những người đã qua đời trong đại dịch, cầu nguyện cho các bệnh nhân và cho cơn đại dịch mau chóng chấm dứt.
“Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương và nhà thờ, trong thời gian thực hiện giãn cách trên địa bàn, nhưng những sinh hoạt và đời sống của đồng bào Công giáo tại địa bàn tôi quản lý tương đối ổn định, an toàn. Tôi cùng với những người đồng trách nhiệm luôn cập nhật tin tức, nắm bắt tình hình thực tế trên địa bàn để hướng dẫn và điều hành, điều chỉnh các sinh hoạt tôn giáo cho phù hợp, ổn định, an toàn, tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch”, Linh mục Phạm Văn Thượng cho biết.
Theo Linh mục Phạm Văn Thượng, trong những tháng ngày chống dịch vừa qua, nhà thờ Giáo xứ Châu Nhai đặc biệt nhắc nhở, vận động các tín hữu chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch; chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương và của các cơ quan chức năng. Đồng thời quan tâm, động viên, hướng dẫn, khuyến khích giáo dân thực hiện tốt các biện pháp khoa học như kịp thời khám chữa bệnh, khi đến nhà thờ và những nơi đông người bắt buộc phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách nói riêng và thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch khác theo chỉ đạo nói chung.
Nhà thờ cũng bố trí đầy đủ các dụng cụ, phương tiện, dung dịch sát khuẩn trong khuôn viên; vận động giáo dân giữ gìn vệ sinh môi trường và phải tự cách ly, báo cáo trung thực với chính quyền khi có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh; phối hợp ổn định tư tưởng giáo dân khi có những thông tin không đúng về tình hình dịch bệnh…; hoạt động của Nhà thờ đã góp phần phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, trách nhiệm ở địa phương để cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, đem lại cuộc sống bình yên, an toàn cho nhân dân, quê hương và đất nước.
Cùng với đó, các vị chức sắc tôn giáo của nhà thờ cũng tích cực hưởng ứng, ủng hộ, tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức như trao quà, thuốc, thực phẩm, trao tặng khẩu trang; chuẩn bị khẩu trang và gel sát trùng cho giáo dân khi đến nhà thờ tham dự các hoạt động tôn giáo; thăm hỏi và giúp đỡ những gia đình khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh dịch…
Trong trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 được Nhà thờ Giáo xứ Châu Nhai (Giáo phận Thái Bình) thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ trong các hoạt động tôn giáo. Ảnh: VGP |
Linh mục Phạm Văn Thượng nhận định: “Trong mọi thời điểm và mọi hoàn cảnh khó khăn của đất nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, tôn giáo luôn được phát huy cao độ. Đó luôn là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức và trong những ngày tháng cả dân tộc gồng mình ứng phó, chống lại đại dịch toàn cầu COVID-19 vừa qua, tinh thần ấy, sức mạnh này lại được thể hiện mạnh mẽ, được kết tinh và biểu hiện sinh động và sống động trong thực tiễn đời sống”.
Trong gần 2 năm ứng phó với COVID-19, chính sách chống dịch của đất nước ta là rất nhất quán, linh hoạt và hiệu quả trong từng khoảng thời gian, thời điểm chống dịch. Kết quả chống dịch có được chính là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cùng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của toàn xã hội.
Nhấn mạnh, mỗi đợt chống dịch lại cho chúng ta thêm những bài học kinh nghiệm sâu sắc và quý báu, Linh mục Phạm Văn Thượng cho rằng chúng ta phải biết học cách chiêm ngắm và tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm có được sau các đợt dịch, nhất là việc nhất quán phát huy sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo. Đây là “chìa khóa” quan trọng để chúng ta nhận lấy trách nhiệm và tiến về phía trước trong niềm tin và và hy vọng về những điều tốt đẹp, tốt lành trong tương lai.
Vì thế, dù virus Corona vô hình, nguy hiểm, không biết đến rào cản, biên giới hay sự khác biệt về văn hóa và chính trị, song với những giải pháp chống dịch rất căn cơ, đồng bộ, hiệu quả, có tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, công tác phòng chống dịch ở nước ta sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa và mỗi người dân ở bất cứ dân tộc, tôn giáo nào cũng sẽ luôn có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc và đối với giáo hữu thì đó cũng là một sứ mệnh để xây dựng một “nền văn minh của tình yêu” và trách nhiệm với cộng đồng, quê hương, đất nước.
Một Noel nữa lại về, một mùa Giáng sinh nữa lại tới trong tiếng chuông nhà thờ ngân vang mỗi buổi sớm chiều giữa tiết trời chính Đông, Linh mục Phạm Văn Thượng bày tỏ niềm tin sâu sắc rằng: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết dân tộc, tôn giáo sẽ tiếp tục được phát huy cao độ hơn nữa; an toàn, an lành, an vui sẽ đến với mọi người, mọi nhà để cả nước tự tin, vững bước trong trạng thái bình thường mới, cùng nhau thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID -19 để duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn cuộc sống sinh hoạt, tiếp tục đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập trong dòng chảy sôi động, không ngừng của lịch sử và thời đại”./.