• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình

(Website Chính phủ) - Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam diễn ra khá phổ biến. Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế về lĩnh vực này. Để hiểu rõ Việt Nam đã chuẩn bị những gì trước những thời cơ và thách thức đang đặt ra trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Website Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Đình Chướng-Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

26/01/2007 16:50
Doanh nghiệp cần xây dựng chiến

Ông Phạm Đình Chướng - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (đứng giữa) trong lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sáng chế Châu Âu

Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), vấn đề sở hữu trí tuệ sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm. Từ nay cả Chính phủ và người dân sẽ phải chấp nhận luật chơi của sân chơi lớn này. Theo ông, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện tại ra sao và đã đạt được yêu cầu của quốc tế chưa?

Ông Phạm Đình Chướng: WTO đòi hỏi khắt khe đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, tại nước ta, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là phổ biến và phức tạp, gây nên tâm lý bức xúc trong giới sáng tạo, các doanh nghiệp và người tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sáng tạo và đầu tư, gây nhiều quan ngại từ phía các đối tác nước ngoài. Vì vậy, yêu cầu đảm bảo thực thi một cách hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ càng trở nên bức bách, trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến hiệu quả và mục tiêu tổng quát của toàn bộ hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nước ta.

Vấn đề bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần được đánh giá dựa trên hai phương diện: về mức độ hoàn thiện của các quy định pháp luật và về hiệu quả thi hành các quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trước hết có thể nhận định một cách tổng quát rằng hiện nay các quy định pháp luật về bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ của nước ta là tương đối đầy đủ, đồng bộ, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của các điều ước quốc tế. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật được Chính phủ ban hành trong tháng 9/2006 đã tạo nên khung pháp luật điều chỉnh vấn đề này một cách đồng bộ với những quy định cụ thể về thẩm quyền của hệ thống cơ quan thực thi, về hành vi xâm phạm và các biện pháp chế tài thích hợp để xử lý. Trong thời gian qua các cơ quan Nhà nước đã có những nỗ lực đáng kể nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ, song hoạt động này ở nước ta nhìn chung còn tồn tại một số nhược điểm cần khắc phục. Năng lực chuyên môn của các cơ quan thực thi còn hạn chế; chưa bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, trình tự thủ tục tố tụng phức tạp, kéo dài đã gây trở ngại không nhỏ cho việc áp dụng các chế tài dân sự để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế hiện nay là hầu hết các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đa số được xử lý bằng biện pháp hành chính. Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết các kiến thức cơ bản và pháp luật về sở hữu trí tuệ của người dân, kể cả của các doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Việc chấp nhận các tiêu chuẩn cao của Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) của WTO trước mắt sẽ tạo ra những khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Đình Chướng: Việc nước ta gia nhập WTO và việc thi hành các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ mang đến cho các doanh nghiệp những cơ hội, thuận lợi cùng với những thách thức, đòi hỏi nhất định. Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách đầy đủ, có hiệu quả, phù hợp với các tiêu chuẩn của TRIPS-WTO dường như sẽ đặt các doanh nghiệp Việt Nam vào một môi trường pháp lý phức tạp, buộc họ phải đầu tư thời gian, công sức để học hỏi và phải chi phí cho việc sử dụng cơ chế này. Khi xảy ra các tranh chấp, xâm phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của mình, các doanh nghiệp phải theo đuổi các vụ kiện tụng không chỉ trong nước mà có thể ở cả nước ngoài với thủ tục tố tụng phức tạp, chi phí thuê luật sư cao... Đây thực sự là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Sự bảo hộ chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm cho các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn hơn trong việc sử dụng các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ của các nước phát triển. Nói chung, môi trường kinh doanh có sự ràng buộc của cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi thói quen, phải thích nghi với luật lệ tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ của người khác để tránh các xung đột không cần thiết, đồng thời phải biết cách bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình. Với các doanh nghiệp Việt Nam, dường như điều đó vẫn còn là vấn đề mới mẻ, phức tạp.

Theo ông, các tiêu chuẩn cao của Hiệp định TRIPS-WTO đối với Việt Nam sẽ đặt các doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam vào một môi trường pháp lý phức tạp, buộc họ phải tốn kém chi phí cho việc thực hiện cơ chế này. Vậy xin ông cho biết, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn trên?

Ông Phạm Đình Chướng: Các khoản chi phí cho việc sử dụng cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là chi phí để đăng ký xác lập và bảo vệ quyền đối với thành quả đầu tư sáng tạo của mình hay chi phí để được phép sử dụng một công nghệ được bảo hộ độc quyền của người khác v.v. mà có thể còn là chi phí bồi thường thiệt hại khổng lồ, là thủ tục xét xử tốn kém và kéo dài kèm theo các chế tài xử phạt nghiêm khắc một khi doanh nghiệp vô tình hoặc cố ý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Đây là những tổn thất nặng nề về tài chính, làm ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp khi doanh nghiệp không tự bảo vệ một cách hiệu quả các tài sản trí tuệ của mình.

Kinh nghiệm cho thấy rằng các doanh nghiệp ngày nay có xu hướng đầu tư từ rất sớm cho chiến lược sở hữu trí tuệ của mình thay vì dành nhiều chi phí tốn kém để theo đuổi các vụ kiện tụng, tranh chấp không đáng có trong tương lai. Để tháo gỡ các khó khăn nêu trên, doanh nghiệp Việt Nam cần dành sự quan tâm đúng mức đối với vấn đề sở hữu trí tuệ, đầu tư thời gian và chi phí hợp lý để tìm hiểu hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ; tích cực tiếp cận và khai thác nguồn thông tin sở hữu trí tuệ nhằm xác định các cơ hội kinh doanh an toàn, có triển vọng đối với doanh nghiệp, tránh gây xung đột với tài sản trí tuệ của người khác, tránh đầu tư lãng phí cho việc nghiên cứu và triển khai những công nghệ, sản phẩm đã có; tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác; có cam kết, thỏa thuận với chủ sở hữu khi muốn khai thác thương mại một sản phẩm trí tuệ đã được bảo hộ, kiên quyết nói không với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình, trong đó cần nêu cao nguyên tắc đầu tư sáng tạo các tài sản trí tuệ riêng để có thể phát triển một cách độc lập và bền vững.

Để xây dựng các mô hình điểm về hoạt động sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ 2006 - 2010 đã được Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp có quan tâm có thể đăng ký tham gia Chương trình hoặc tìm hiểu để áp dụng các mô hình mẫu do Chương trình xây dựng.

Nghị định 106/2006/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp - Ảnh minh họa

Chúng tôi được biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định 106/2006/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 12/1999/NĐ-CP trước đây nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ. Theo ông, điểm mấu chốt của Nghị định này là gì?

Ông Phạm Đình Chướng: Nghị định 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định liên quan đến xử lý hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ, quy định cụ thể các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra; xác định cụ thể các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tương ứng với từng khung phạt và mức tiền phạt; thẩm quyền và thủ tục xử lý hành vi xâm phạm...

Điểm mấu chốt của Nghị định 106/2006/NĐ-CP là cụ thể hóa những nội dung mới đã được bổ sung trong Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng yêu cầu của các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, đồng thời khắc phục được những điểm bất cập còn tồn tại trong Nghị định 12/1999/NĐ-CP ngày 06/3/1999 trước đây, nhằm góp phần cùng các biện pháp khác (dân sự, hình sự) hạn chế và ngăn chặn tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Bên cạnh việc quy định chi tiết các biện pháp xử lý hàng hóa xâm phạm, ví dụ biện pháp buộc tiêu hủy, hoặc phân phối, hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và biện pháp buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hóa... Nghị định đã cụ thể hóa nguyên tắc xử phạt bằng tiền quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó mức tiền phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được tính bằng bội số của giá trị của hàng hóa vi phạm bị phát hiện, không bị giới hạn bởi mức phạt tối đa đến 100 triệu đồng như quy định trước đây của Nghị định 12/1999/NĐ-CP, nhằm bảo đảm tính răn đe của hình thức xử phạt. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ ràng hơn điều kiện để tiến hành biện pháp xử phạt hành chính, thẩm quyền của các cơ quan xử lý xâm phạm (Thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ, Quản lý thị trường, Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Hải quan).

Ông có lời khuyên nào nếu như doanh nghiệp rơi vào tình trạng tranh chấp thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ? Và để thúc đẩy thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần có những biện pháp gì?

Ông Phạm Đình Chướng: Trong trường hợp tài sản trí tuệ do mình đầu tư công sức để tạo lập và phát triển bị xâm phạm, doanh nghiệp cần kiên trì bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Trong trường hợp bị kiện về việc xâm phạm quyền của người khác, doanh nghiệp cần tìm hiểu tình trạng pháp lý của quyền sở hữu trí tuệ liên quan để khẳng định quyền đó có được bảo hộ hợp pháp và đang trong thời hạn hiệu lực hay không và hoạt động sản xuất kinh doanh của mình có thực sự xâm phạm quyền đó không. Nếu đúng như vậy thì cần chấm dứt ngay hoạt động bị coi là hành vi xâm phạm, đồng thời tiến hành các biện pháp cần thiết để hạn chế thiệt hại có thể gây ra cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ (thu hồi, đình chỉ lưu thông hàng hóa xâm phạm...). Nếu có chứng cứ và lập luận khẳng định rằng đối tượng sở hữu trí tuệ không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ thì cần tiến hành thủ tục yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp nên chủ động tiến hành các biện pháp cần thiết để làm sáng tỏ vụ việc như thu thập chứng cứ, yêu cầu giám định. Để giải quyết tranh chấp, trước hết doanh nghiệp nên tiến hành dàn xếp, thương lượng với bên tranh chấp. Nếu không thể giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng, hòa giải thì doanh nghiệp có thể khởi kiện tại tòa án, hoặc yêu cầu các cơ quan hành chính giải quyết. Nếu không thực sự am tường về pháp luật sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nên sử dụng sự trợ giúp của các luật sư, các công ty dịch vụ pháp lý, các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hoặc các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả (nếu là chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan), hoặc yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn giải đáp thắc mắc.

Để có thể thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Nhà nước cần phải giải quyết đồng bộ những vấn đề chủ yếu sau đây: nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi (Tòa án, Quản lý thị trường, Hải quan, Cảnh sát kinh tế, Thanh tra chuyên ngành) thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và pháp luật về sở hữu trí tuệ; biên soạn, phát hành tài liệu, cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho cán bộ thực thi của từng ngành; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong hoạt động thực quyền sở hữu trí tuệ của cả bộ máy; tiếp tục phát triển, củng cố các thiết chế nhằm bổ trợ cho hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thông qua việc mở rộng đội ngũ những người làm công tác tư vấn, đại diện pháp luật sở hữu trí tuệ (các văn phòng luật sư, các công ty dịch vụ pháp lý, các tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ); thiết lập các tổ chức liên minh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp; và sau cùng là một vấn đề rất quan trọng, đó là hoạt động phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ để nâng cao trình độ hiểu biết của doanh nghiệp và người dân, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động nhằm tạo lập, đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ ở trong nước và nước ngoài./.

Giang Oanh thực hiện