Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ động thúc đẩy các nguồn lực chính là tập trung xây dựng và phát triển nguồn vốn con người và xã hội để quản trị hiệu quả các nguồn lực. Chính vì vậy cách đây gần 80 năm, hơn một tháng sau ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, ngày 13/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho giới công thương Việt Nam : "…Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân". Và năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm khẳng định và phát huy vai trò quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp và các hiệp hội, liên đoàn công thương… vừa là nguồn lực, vừa là động lực then chốt trong sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Hiện nay, bức tranh ảm đạm kinh tế của nền kinh tế toàn cầu đang tác động vào kinh tế đất nước thể hiện qua 3 bối cảnh nội tại:
Kinh tế vĩ mô: Nền kinh tế vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới do xung đột giữa Nga và Ukraine, sự cạnh tranh giữa các siêu cường và phản ứng chính sách của các nước nhằm đối phó với lạm phát, đặc biệt là động thái tăng lãi suất của Fed…, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP của năm. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn.
Cộng đồng doanh nghiệp: Số liệu doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2023 lên tới 15.600 đơn vị. Hơn nữa, vốn đăng ký của số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường cũng giảm gần 20% so với cùng kỳ 2022. Trong khi đó, tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là hơn 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với 2021 và chiếm hơn một nửa tổng tài sản số đơn vị này. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trung bình của các doanh nghiệp Nhà nước là 1,09 lần…
Các số liệu trên cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả DNNN đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, thực tế cũng phản ánh xu thế quy mô thu nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập…
Năng suất: So sánh thống kê cũng cho thấy năng suất lao động của Việt Nam bị tụt hậu so với khu vực. Năm 2022, chỉ bằng một phần tư của Hàn Quốc, gần bằng hai phần ba so với Trung Quốc và khoảng hai phần ba của Thái Lan. Nguyên nhân cơ bản không chỉ là công tác đào tạo lao động mà còn do sự chậm đổi mới thể chế, cấu trúc của các nguồn vốn xã hội Việt Nam.
Thế giới ngày nay thay đổi nhanh chóng nhờ những sáng kiến liên kết chiến lược khu vực và toàn cầu mới, cùng với việc Việt Nam hiện nay đã là thành viên tích cực của các tổ chức hợp tác kinh tế đa phương là ASEAN, RCEP, IPEF càng đòi hỏi chúng ta phải sử dụng những người có năng lực nhất để tận dụng các cơ hội phát triển mới vì nguồn nhân lực là tài sản lớn nhất của mọi tổ chức cũng như quốc gia.
Tuy nhiên, chỉ có nhân tài tốt nhất là chưa đủ, cần đảm bảo rằng các cá nhân được định vị để đạt thành công tối ưu. Nói cách khác, tuyển dụng những người giỏi nhất chỉ là một phần của giải pháp, quan trọng hơn là phát huy những điều tốt nhất ở con người. Để làm được điều này đòi hỏi phải giải phóng tiềm năng vốn con người và xã hội thông qua việc chủ động xây dựng và đổi mới thể chế, cấu trúc của tổ chức bao gồm ba thành tố chính: con người, bộ máy, cơ chế nhằm thực hiện mục đích của tổ chức một cách hiệu quả ở cả ba tiêu chí cốt lõi: giá thành, tiêu chuẩn (kỹ thuật, môi trường và xã hội) và tiến độ.
Các chuyên gia cạnh tranh cho rằng, đối với các nước đang phát triển, bên cạnh các giải pháp, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trước mắt, điều quan trọng không kém là cần chú trọng tập trung nghiên cứu chiến lược xây dựng và đổi mới kết hợp phát triển hai nguồn lực con người và xã hội. Vì đây không những là nguồn lực nền tảng mà còn là những nguồn vốn giúp cho việc thúc đẩy, quản trị bền vững ba nguồn lực còn lại: môi trường, tài chính và sản phẩm, hướng tới một xã hội có sức cạnh tranh mạnh mẽ với năng suất lao động và chất lượng sống của người dân ngày một nâng cao.
Trong tiến trình đó, các nhà quản lý đưa ra ba nội dung và giải pháp đáng lưu ý để phát huy hiệu quả nguồn vốn đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc chủ động phát huy và thúc đẩy các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội:
Về doanh nhân: Phẩm chất đổi mới và sáng tạo của nguồn vốn con người được thể hiện qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp, cùng với sự phát minh ra cơ chế thị trường và sự xuất hiện của đội ngũ doanh nhân đã đem lại một cuộc sống và xã hội thịnh vượng hơn rất nhiều so với tổ tiên của chúng ta trong suốt quá trình lịch sử phát triển nhân loại.
Chính vì vậy, chính sách "an cư lạc nghiệp" là ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia, là cơ sở chính để phát triển nguồn vốn con người và doanh nhân. Các nội dung luật pháp bảo vệ nhu cầu cơ bản của doanh nhân như: sản xuất kinh doanh, học tập… và an ninh cá nhân cần phải được đảm bảo khỏi các mối đe dọa bao gồm cả chiến tranh, xung đột, bạo lực và cạnh tranh không lành mạnh… Trong đó, việc đảm bảo lòng tin vào công lý, pháp luật phải là một trong những vấn đề cốt lõi trong việc kinh doanh.
Người doanh nhân với mục đích là lợi nhuận và tăng trưởng bền vững, cũng cần có niềm tin mạnh mẽ vào sự liên kết nguồn lực xã hội trong việc xây dựng một nền tảng đạo đức kinh doanh và tinh thần thượng tôn pháp luật của chính mình nhằm tối đa năng suất bản thân và đạt được mục đích kinh doanh cao nhất theo thời gian.
Về doanh nghiệp: Các doanh nghiệp tư nhân và cả DNNN cần nhận thức các mô hình kinh doanh phổ biến của nền kinh tế thị trường mới mẻ như doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp xã hội, kinh tế nền tảng (sàn giao dịch)… là những mô hình của nền kinh tế thị trường phát triển.
Những mô hình này mặc dù phức tạp về quản lý nhưng sẽ làm tăng nguồn lực tài chính cũng như nguồn lực xã hội của doanh nghiệp về dài hạn. Chính vì vậy, cần coi chính sách cổ phần hóa là một chiến lược cơ bản để phát triển, khi mà quy mô doanh nghiệp sẽ là một trong lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thu nhập của người tiêu dùng ngày càng cao và thị trường hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng sâu rộng.
Các doanh nghiệp cần nghiên cứu tham gia liên kết và liên minh trong các hiệp hội doanh nghiệp quốc gia như VCCI và các hiệp hội địa phương, chuyên ngành để gia tăng nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế đất nước và thế giới thay đổi rất nhanh, các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề và địa phương cần đổi mới và đặc biệt trước mắt cần xác định rõ thể chế, cấu trúc tổ chức theo mô hình hành chính (public law) hay tư nhân (private law) để định vị tư cách pháp nhân và tính đại diện nhằm bảo đảm sự vận hành và sự tham gia hội viên minh bạch và hiệu quả trước pháp luật.
Về chiến lược phát triển vốn xã hội: Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rõ phương hướng đổi mới và tăng cường chất lượng thể chế trong đó bao gồm cả thể chế, cấu trúc của cộng đồng doanh nghiệp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta.
Trong nước, cần đổi mới cơ chế hợp tác công tư nhằm cải thiện môi trường kinh doanh đối với ba nhóm cộng đồng doanh nghiệp cốt lõi: Thương mại, sản xuất công nghiệp và ngân hàng.
Trong lĩnh vực đối thoại chính sách của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, cần xây dựng cơ chế hợp tác của giới lãnh đạo thuộc ba lĩnh vực này luân phiên chủ trì hằng năm để tránh hiện tượng nhóm lợi ích, tập trung đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn (hạn chế đầu tư quá mức vào bất động sản) và phù hợp với chu kỳ phát triển của nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra cần nghiên cứu cải tiến chất lượng mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển hạ tầng (đặc biệt là lĩnh vực giao thông) như là một cơ chế cổ phần để tăng cường hiệu quả sử dụng đất sở hữu nhà nước, hạn chế dùng vốn ngân sách và ODA nhằm tránh nguy cơ tăng nợ công cho nền kinh tế và nguy cơ cạm bẫy trung bình.
Ở nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội phát huy đổi mới, sáng tạo trong việc phát triển những thương hiệu sản phẩm uy tín vươn ra toàn cầu để bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững. Qua đó tạo nền tảng cơ bản kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế trong việc thiết lập các Vietcham ở các thị trường trọng điểm để tạo ra những nguồn lực mới cho đất nước trong thời đại kỹ thuật số và công nghệ cao.
Chủ động thúc đẩy các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội thông qua chiến lược sử dụng và đổi mới phát triển nguồn lực con người và xã hội, đặc biệt là nguồn lực doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp một cách hiệu quả, chắc chắn sẽ góp phần thiết thực kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, hướng tới một quốc gia phát triển và hùng cường khi chúng ta bước tới một trăm năm niên sử vàng của Nhà nước dân chủ đầu tiên ở khu vực ASEAN.
TS. Đoàn Duy Khương