Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thấy được ủng hộ rất nhiều
Ông Phạm Hải Văn (đứng), Giám đốc khu vực miền Bắc thuộc Công ty cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh Haraval. Ảnh: VnEconomy |
"Nói về ngành công nghiệp 4.0, chúng ta chắc không phải chia sẻ quá nhiều nữa vì nó đang diễn ra hàng ngày. Các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ có một lựa chọn là có chạy theo xu hướng đó không hay nằm ngoài cuộc chơi và chấp bị các doanh nghiệp khác lấn chiếm và cạnh tranh trực tiếp.
Là một doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, Haraval rất mong muốn làm sao đem được những trí tuệ công nghệ có thể phát triển được để ứng dụng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Sau 5 năm triển khai tại Việt Nam, tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những sản phẩm công nghệ có thể cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài. Các ứng dụng công nghệ đấy tạo ra được lợi thế cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh.
Với Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được tổ chức, chúng tôi cảm thấy rất thích với chủ đề "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường", vì với công nghệ người trẻ Việt Nam được thể hiện khát vọng của mình ra thị trường nước ngoài và trên thế giới. Công nghệ đại diện cho trí tuệ của người Việt Nam. Việc tổ chức diễn đàn về công nghệ như thế này cho thấy Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm và coi ngành công nghệ là một mũi nhọn có thể phát triển được kinh tế.
Với vai trò là một doanh nghiệp và tạo ra sản phẩm cũng như triển khai các sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước, chúng tôi hoàn ủng hộ và vui mừng khi Chính phủ đã tạo mọi điều kiện và xây dựng những chính sách, bổ sung những hành lang để giúp các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam.
Chỉ cần Nhà nước tổ chức những diễn đàn như thế này thôi là chúng tôi thấy mình được ủng hộ rất nhiều về mặt tinh thần và có thêm động lực để có thể đưa những sản phẩm này ra thị trường quốc tế. Tôi rất hi vọng diễn đàn sẽ tạo tiền đề, động lực cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, sau đó có thể xây dựng được những sản phẩm công nghệ tốt hơn nữa để phát triển cho các doanh nghiệp trong nước, tiến tới khu vực và trên thế giới".
Quan trọng nhất là doanh nghiệp muốn làm
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VCCorp. Ảnh: VnEconomy |
"Khi nghiên cứu toàn bộ nội dung của diễn đàn, tôi rất đồng tình với chiến lược của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trước đây mảng công nghệ thông tin chúng ta hay kêu gọi ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện năng suất lao động, sau đó là xuất khẩu phần mềm và dẫn đến chúng ta có hàng trăm nghìn lập trình viên cộng với doanh thu tỷ USD.
Tuy nhiên lần này thì tôi nhìn toàn bộ cái khung chương trình của diễn đàn thì đề xuất một chiến lược mới và tôi rất đồng tình với chiến lược này.
Từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nhìn hai quốc gia lớn trên thế giới và mạnh về công nghệ thông tin có Trung Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ là nước xuất khẩu phần mềm. Có rất nhiều kỹ sư lập trình, tạo ra rất nhiều doanh thu, nhưng quốc gia tạo được ấn tượng mạnh trên thế giới bằng các sản phẩm công nghệ thì chính là Trung Quốc. Quốc gia này đang có những tên tuổi lớn như Huawei, Tencent, Baidu… mà nhiều nước phải nể sợ, thậm chí Mỹ có sản phẩm công nghệ gì thì Trung Quốc đều có sản phẩm tương tự để phục vụ thị trường trong nước.
Dẫn chứng thế để thấy rằng Trung Quốc sử dụng lực lượng công nghệ thông tin để tạo ra sản phẩm phục vụ thị trường nội địa. Khi bán sản phẩm, cạnh tranh và có sức mạnh thị trường trong nước thì bắt đầu xuyên biên giới ra nước ngoài.
Trong kỷ nguyên số này, nếu anh có nội dung, có phần mềm, có công nghệ, khi nước ngoài xuyên biên giới vào Việt Nam dễ dàng như thế nào thì khi chúng ta có sức cạnh tranh chúng ta cũng xuyên ngược biên giới ra bên ngoài dễ dàng như vậy.
Vì thế tôi rất đồng tình với chủ trương của diễn đàn này. Trước hết chúng ta xây dựng được công nghệ "Make in Vietnam" để sở hữu công nghệ, làm chủ công nghệ và tạo ra sản phẩm của mình, sau đó ta mang ra nước ngoài kinh doanh, tạo tiền đề cho Việt Nam phát triển, đó là chiến lược rất mới.
Nhìn kết cấu của chương trình diễn đàn, theo tôi, một doanh nghiệp có tiền vốn, có sức mạnh, nhân sự và chiến lược kinh doanh, nhưng nếu họ muốn làm và dám làm - muốn vì nhìn thấy cơ hội kinh doanh, nhìn thấy được Chính phủ hỗ trợ, được Bộ ủng hộ và tìm ra phương thức để thúc đẩy phát triển, thì khi thấy được cơ hội kinh doanh họ sẽ đổ tiền đổ lực vào ngay. Có thể lỗ, có thể lãi, có thể chiến đấu nhưng chắc chắn họ đủ sức để làm và khi làm 10 công ty "chết" thì có 2-3 công ty làm được. Điều quan trọng nhất là họ muốn làm.
Hay một hạng mục (nội dung tại diễn đàn) với quan điểm thúc đẩy mới, cho phép doanh nghiệp góp ý để tháo gỡ tôi nghĩ rất nhiều doanh nghiệp cùng muốn làm".
Có thể tạo được công ty công nghệ toàn cầu
Ông Hùng Trần, Giám đốc điều hành của Got It – một trong những start-up Việt thành công tại thung lũng Silicon Valley. Ảnh:VnEconomy |
"Là start-up đầu tiên của người Việt tại Silicon Valley và có những kết quả tương đối khích lệ. Cách đây hơn một tháng có dịp trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi ông sang tham quan Silicon Valley và Bộ trưởng rất thích ý tưởng xây dựng các công ty công nghệ Việt Nam. Vì ở Silicon Valley, chúng tôi có những trải nghiệm chính mình, xem các công ty công nghệ người ta hình thành và phát triển như thế nào.
12 năm trước đây chưa ai biết đến Uber, còn hiện doanh nghiệp công nghệ này được định giá hơn 100 tỷ USD. Tương tự trong khoảng 10 năm, nhiều công ty công nghệ lớn đã hình thành, phát triển và sau khi họ IPO thì giá trị công ty rất lớn, như Facebook hay các công ty khác. So với các công ty truyền thống, các công ty công nghệ rút ngắn thời gian hơn rất nhiều và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều, và phạm vi ảnh hưởng cũng lớn hơn rất nhiều.
Khi xây dựng Got It, chúng tôi đã chú trọng xây dựng đội ngũ giỏi tại Silicon Valley, xây dựng sản phẩm bằng kỹ sư Việt Nam. Sản phẩm của chúng tôi đã được một trong những nền tảng hàng đầu thế giới tích hợp sử dụng. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những công ty công nghệ toàn cầu.
Vì thế tôi rất ủng hộ diễn đàn này và hi vọng bằng kết nối có thể giúp để Việt Nam có hàng trăm công ty giống Got It và hi vọng một vài trong số đó thành công, tức tạo ra những công ty công nghệ khổng lồ".
(Theo vneconomy.vn)